Ngoài sự liều lĩnh, để đối phó, qua mặt các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thuốc lá còn không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả việc chống trả lại lực lượng thực thi công vụ.
Thiếu tá Nguyễn Sơn Hà, Phó Trưởng phòng CSĐT
Công an An Giang cho biết: "Các đối tượng buôn lậu thuốc lá chúng thuê người cảnh giới rất cẩn thận, khi bị lực lượng rượt đuổi thì chúng có hành vi chống trả quyết liệt để giật lại hàng hóa".
Tại tỉnh Kiên Giang, lợi dụng địa hình vùng biên, các đối tượng
buôn lậu thuốc lá đã sử dụng phương tiện xe gắn máy để vận chuyển. Chúng tổ chức vận chuyển đi theo từng tốp, từng đoàn chạy với tốc độ cao để đưa thuốc lá lậu vào sâu trong nội địa. Chúng lôi kéo, lợi dụng số đông người dân sinh sống tại khu vực biên giới để đối phó với các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn.
Ông Ngô Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang cho biết: "Đối tượng đầu nậu là người Campuchia ở bên kia biên giới lợi dụng tình hình khó khăn của người dân, chúng đã thuê và ràng buộc người dân của mình là chở cho chúng chừng nào trót lọt thì chúng mới trả tiền, còn nếu bị bắt thì những người vận chuyển phải trả tiền đó, làm mướn trả thay nên khi mà bị truy đuổi thì người ta cố gắng làm sao để thoát khỏi, tránh sự bắt bớ của lực lượng chức năng. Các đối tượng rất manh động ở chỗ là chạy xe bất chấp nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông, khi lực lượng truy đuổi rồi thì chúng bằng mọi cách để thoát thân, nếu ta đuổi sát quá thì chúng có thể quăng hàng xuống để ngăn cản lực lượng thậm chí đã gây ra những thương vong, thương tích cho cán bộ Hải quan cũng như các lực lượng chức năng khác".
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tính toán, thông qua nhiều hình thức buôn lậu thuốc lá khác nhau, mỗi năm đang có khoảng 800 triệu bao thuốc lá được nhập lậu vào nước ta. Con số này khiến Nhà nước thất thu ngân sách số tiền lớn lên đến từ 4.000 - 4.200 tỷ đồng/ năm. Đáng nói hơn là, nước ta đang mất đi lượng ngoại tệ lên đến khoảng 400 triệu USD / năm, do các tổ chức buôn lậu mua qua biên giới.
Một con số khác được Cục Quản lý thị trường đưa ra khiến chúng ta không khỏi giật mình, đó là thuốc lá lậu đang đem lại khoản lợi nhuận cao gấp 30 lần so với kinh doanh thuốc lá hợp pháp. Điều này lý giải vì sao, người dân vẫn ngang nhiên bày bán công khai mặt hàng này tại thị trường nội địa, cho dù họ vẫn biết rằng, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đáng nói hơn cả là, công tác quản lý thị trường tại nội địa đã tỏ ra yếu kém, khi để cho thuốc lá lậu có thị trường để kinh doanh và tiêu thụ.
Ông Đỗ Thẳng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay: "ở tại một số nơi vẫn có lực lượng trong đó có lực lượng quản lý thị trường chưa thực sự kiên quyết cũng như phải phối hợp với các đơn vị có liên quan khác ví dụ như công an, chính quyền địa phương để có thể giảm bớt tình trạng này. Chúng tôi cũng đã có những chỉ thị rất nghiêm trong việc tăng cường chống buôn lậu thuốc lá, tăng cường lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng khác ngăn ngay từ biên giới các tỉnh, trong nội địa thì phải trực tiếp phối hợp với các các các cơ quan công an rồi chính quyền các địa phương sở tại để giảm bớt việc buôn lậu thuốc lá này".
Nhiều chuyên gia chỉ ra, không phải bây giờ chúng ta mới biết và nói đến thực trạng nóng bỏng buôn lậu thuốc lá, đặc biệt là tác hại của nó đối với nền kinh tế và tình hình an ninh trật tự xã hội.
Để xảy ra tình trạng trên là bởi do nguyên nhân chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt; buôn lậu thuốc lá đem lại “lợi nhuận” lớn hơn rất nhiều so với các mặt hàng khác; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ; các chế tài xử lý chưa mang tính răn đe; công tác thông tin, tuyên truyền chưa tạo được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân.
Thời gian gần đây, phải thừa nhận rằng, số vụ và số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ ngày càng nhiều, nhưng cuộc chiến với thuốc lá lậu vẫn chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài sự buông lỏng và yếu kém của các lực lượng chức năng, thì có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng cần phải được nói đến là, theo quy định các đối tượng phải buôn lậu từ 1.500 bao thuốc lá trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này xem ra đang không đủ sức răn đe và tạo khe hở cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng để vận chuyển thuốc lá lậu vào nước ta.
Ông Lê Khắc Ghi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng: "nên có 1 chính sách đặc thù để hỗ trợ cho lực lượng chống buôn lậu chứ hiện nay đi làm nghề này có nguy hiểm, có rủi ro nghề nghiệp nhưng kinh phí vẫn không đảm bảo hoạt động, chế độ cho người hoạt động trực tiếp này thì cũng không có, nên sắp tới cũng quan tâm, tạo điều kiện về phương tiện, kinh phí hoạt động cũng như chế độ cho lực lượng chống buôn lậu".
Người dân ngang nhiên vận chuyển thuê cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá. Tại thị trường nội địa, thuốc lá lậu được bày bán công khai. Thêm một con số rất đáng chú ý, ở nước ta, mỗi năm thuốc lá lậu đang làm mất việc làm của 39.000 lao động trồng thuốc lá, tương ứng mất lợi nhuận của nông dân từ 160 - 170 tỷ đồng/năm; ngoài ra còn mất 515.000 công lao động của công nhân ngành công nghiệp thuốc lá, chưa kể các ngành dịch vụ, thương mại, phụ trợ cho thuốc lá.
Những con số này đang đặt ra cho các nhà quản lý, các cơ quan chức năng và mỗi người dân cần phải có sự suy nghĩ và hành động cụ thể để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.