Mời các bạn xem trailer chương trình:
Nguyễn Văn Sương, một bệnh nhân mới chỉ 17 tuổi, nhưng đã 15 lần ra vào khám chữa bệnh ở bệnh viện tâm thần (TP HCM) để điều trị chứng loạn thần. Và cái đã khiến cậu phải thường xuyên vào rồi ra bệnh viện tâm thần này không gì khác ngoài game online. Em đã bị nghiện, hay nói cách khác là bị một sản phẩm từ internet chi phối.
|
Những quán game luôn đông khách là hình ảnh phổ biến hiện nay. |
Cũng giống với Sương, bệnh nhân Huỳnh Văn Tiền vì mê game mà Tiền đã không còn là chính mình. Bỏ học từ năm lớp 10, em luôn mong muốn được hóa thân vào nhân vật đầy sức mạnh trong thế giới ảo. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên Tiền đến bệnh viện tâm thần để điều trị chứng bệnh mà mình đang mắc phải.
Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp bệnh nhân nghiện game online phải điều trị ở bệnh viện tâm thần. Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có con số điều tra cụ thể, tuy nhiên qua thực tiễn điều trị, số lượng bệnh nhân điều trị tâm thần do nghiện game đang gia tăng theo từng năm, đặc biệt là trong thời điểm nghỉ hè.
Không chỉ gây nên chứng nghiện cho nhiều bạn trẻ, game online còn đang là một trong những tác nhân khiến tội phạm vị thành niên ngày một gia tăng. Không ít vụ án mạng thương tâm đã xảy ra, từ liều lĩnh cướp giật đến ra tay tàn nhẫn sát hại người thân, bạn bè… chỉ bởi một lý do rất đơn giản, đó là muốn có tiền để tiếp tục chơi game.
Không phải đến bây giờ mà từ lâu, vấn nạn nghiện game online đã trở thành một căn bệnh khó chữa trong giới trẻ. Việc thiếu sân chơi lành mạnh cho giới trẻ cùng với đó là sự buông lỏng quản lý, giám sát từ phía gia đình và nhà trường được xem là nguyên nhân để game online thân nhập và lan rộng trong giới trẻ. Mặt khác, việc phổ biến các thiết bị máy tính, điện thoại, mát tính bảng kết nối Internet cũng là cơ hội để game online bám rễ sâu hơn vào đời sống.
|
Giới trẻ mê mẩn game online. |
Làng đại học Thủ Đức nơi có hơn 30 ngàn sinh viên đang theo học và sinh hoạt ở đây. Với rất nhiều loại hình kinh doanh vui chơi, giải trí đã tạo ra thành phố thu nhỏ ở chính nơi này. Quán nhậu, karaoke, quán café, chợ đêm, bida club, rạp chiếu phim mini, đặc biệt là tiệm internet mọc lên như nấm sau mưa, với giá cả bình dân, và được phục vụ 24/24.
Theo ước tính của những người làm chương trình, chỉ trong khu vực Làng đại học Thủ Đức có hơn 30 tiệm internet để phục vụ nhu cầu chơi game và lướt net, chat... của giới trẻ tại đây. Hầu hết các tiệm internet đều phục vụ 24/24. Không có gì quá bất ngờ khi đã qua 23h nhưng ở đây vẫn thường có khoảng 20 quán internet hoạt động, quán nào cũng đông khách. Dù nhiều quán đã đóng cửa, nhưng đằng sau những cánh cửa đã đóng kia, vẫn luôn có những game thủ đang ra sức "cày cuốc" để nhân vật của mình trở thành bất khả chiến bại trong thời giới ảo.
Ông Nguyễn Thành Nhân - Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Châu Á - Thái Bình Dương - TP HCM cho biết: Đối với nhiều thanh thiếu niên, game online là một sở thích, một lối thoát, một nơi để trút bỏ những căng thẳng. Ở game online, người chơi cũng kinh qua đủ loại cung bậc tình cảm mạnh mẽ như hồi hộp, căng thẳng, phấn khích, sung sướng, hãnh diện, tức giận, thất vọng rồi lại hy vọng. Tất cả các tay game thủ khi tham gia những trò game nhập vai đều thực sự yêu nhân vật của mình. Càng dành nhiều thời gian chơi, niềm đam mê đầu tư cho nhân vật càng lớn. Không ít người biến tiệm internet là nhà, chiếc ghế ngồi là giường. Họ ăn, ngủ ngay trên bàn, cạnh chiếc máy tính với những trò chơi và nhân vật game đầy mê hoặc.
Không chỉ có game, các trang mạng xã hội cũng đang tạo ra cơn bão nghiện cho nhiều người, thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Theo các nghiên cứu, tại Việt Nam, cứ khoảng 3 giây lại có một người đăng ký dịch vụ facebook. Hiện nay tổng số người sử dụng facebook đã lên đến trên 20 triệu người. Trung bình mỗi ngày có hơn nửa tỉ người bấm nút like và facebook đang được cho là "chất" gây nghiện hơn cả rượu, thuốc lá.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho biết: Games online là một hình thức giải trí có nhiều đặc tính phù hợp với giới trẻ như tính mới mẻ, hấp dẫn và bí ẩn để khám phá, do đó nó được xem như là một loại hình thức giải trí “hot” nhất hiện nay, song song với các trang mạng xã hội. Nó như một chất gây nghiện, cuốn người chơi vào thế giới ảo và để lại đằng sau đó là những hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội nếu người chơi không làm chủ được hành vi của bản thân. Chứng loạn thần trong giới trẻ cũng vì thế mà cũng đang ngày một tăng.
Mời các bạn đón xem "Loạn thần vì game online" trong chương trình "8 giờ 15 phút tối" ngày 29/6/2015 trên kênh ANTG - Truyền hình An Viên. Chương trình phát lại lúc 9h00 ngày 30/6/2015 và 15h00 ngày 1/7/2015.