Thà ly hôn chứ không bỏ game!
Phạm Trần Nguyên Anh (Gia Lâm, Hà Nội) lên diễn đàn giành cho bà mẹ trẻ em chia sẻ chuyện gia đình: “Em sinh năm 1990, lấy chồng bằng tuổi. Nhà chồng có cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng nên hai vợ chồng không đi làm bên ngoài, chỉ ở nhà quản lý công việc cho nhà chồng.
Chồng em thì chủ yếu đi ra ngòai tìm khách hàng, quản lý xuất nhập kho, tiền thu nhập cũng rất khá. Nhưng có điều là chồng em bị chứng mê game. Ngày yêu nhau cũng đã mê, có lần còn trễ hẹn với em mấy tiếng đồng hồ chỉ vì mải chơi game quên mất hẹn.
Lấy nhau rồi, em tưởng bệnh ghiền game sẽ hết nhưng không ngờ mỗi ngày càng nặng hơn. Ngày xưa chưa lấy vợ, chưa tham gia công việc gia đình, không có thu nhập thì chơi game bình dân, bây giờ có tiền rồi thì chơi game loại “cao cấp”. Mỗi lần nạp thẻ chơi cả triệu đồng.
Em đang có thai, vậy mà chồng cũng không dành thời gian chăm sóc em, suốt ngày chúi mũi vào game. Em có cảm tưởng chồng sống mất 2/3 thời gian là dành cho game rồi. Có lần em phát hiện ra, đợt nhập xuất hàng lớn, chồng em lời được gần trăm triệu, vậy mà lén giữ riêng lại, đến lúc em biết thì đã tiêu hết 70 triệu, chủ yếu là do tiền thẻ game và ăn nhậu “offline” với các bạn game thủ.
|
Ảnh minh họa. |
Em làm lớn chuyện, bắt chồng bỏ game tuyệt đối, một là chọn em hai là chọn game, thì chồng tuyên bố: Thà bỏ vợ chứ không bỏ game được. Em đau lòng lắm, nhiều lúc muốn bỏ quách cho xong nhưng nghĩ đến con, lại không biết phải làm sao? Có phải do chồng em còn quá trẻ con nên hành xử như vậy? Em phải làm gì để chồng hồi tâm?”.
Câu chuyện của Nguyên Anh đã nhận được đồng cảm của rất nhiều chị em phụ nữ, nhất là những “người trong cuộc”. Chị Lâm Thúy Lan (Hà Đông, Hà Nội): “Đừng nói là chồng trẻ mê game em ơi. Chồng chị 34 tuổi rồi mà vẫn nghiện game đây này. Ngày xưa, mê game trên máy tính thì rảnh một chút là nhào vào laptop ngay, bây giờ có điện thoại thông minh rồi thì còn tệ hơn: Lúc nào cũng dính với điện thoại như hình với bóng, thậm chí ăn, ngủ, đi vệ sinh cũng kè kè cái máy, bấm bấm nhấn nhấn.
Chưa hết, chị còn nghe đồng nghiệp nói chồng chị còn bị nhắc nhở trong cuộc họp vì dám chơi game. Chị làm lớn chuyện, giận dỗi thì vờ đi vệ sinh lâu để ở trong đấy chơi, tránh cho chị thấy. Chồng chị nói: “Em không chơi em không biết nó hay cỡ nào đâu! Em đừng cấm anh thế, anh nghiện game thì làm gì có thời gian nào mà chơi bời nhậu nhẹt gái gú, em phải mừng mới phải!”. Nghe mà chịu thua luôn. Nhưng nói gì thì nói vẫn thấy mệt mỏi lắm”.
Nhiều chị em khác thì chia sẻ, chồng họ mê game đến mức trở thành người thiếu trách nhiệm với gia đình, ít chơi với con, ít trò chuyện với vợ, ban tối có chút thời gian để vợ chồng tâm sự thì cũng vừa nói vừa cắm mặt vào game, không còn thời gian để giúp đỡ vợ chuyện nhà, không còn thời gian để quan hệ xóm giềng, lễ nghĩa với các mối quan hệ nhà vợ…
Bởi thế, trong các thứ “nghiện” mà đàn ông có thể mắc khỏi, tuy không đáng sợ như ma túy, cờ bạc, nhưng nghiện game cũng ẩn chứa sự nguy hiểm, gây tốn kém và khả năng rạn nứt gia đình.
“Cai nghiện” cho chồng
Chung quanh chuyện chồng nghiện game, không ít chị em cũng đã đưa ra nhiều cách thức, kinh nghiệm của mình trong “cai nghiện” game cho chồng. Khá nhiều cách trong số ấy rất khôn khéo, đáng để học hỏi.
Chị Lưu Thị Phương, Thủ Dầu Một, Bình Dương kể: “Vợ chồng tôi cũng suýt ly hôn chỉ vì ông chồng mê game hơn mê vợ. Hồi mới cưới, chưa có con, đời sống thong thả, hầu hết thời gian, tiền bạc, ổng dành cho game. Đừng nói chơi game vô hại nha, tốn kém ghê gớm lắm. Ban đầu tôi cứ tưởng chơi game là chơi cho vui thôi, có lần nghe ổng gọi cho bạn chơi chung, nhờ nạp dùm thẻ game tới 3 triệu đồng, mới tá hỏa.
Theo dõi mới biết là ổng chi tiền cho game không ít. Vậy là lên kế hoạch bắt ổng bỏ tiệt game. Đầu tiên, tịch thu hết tiền, chỉ để cho đủ xài. Thứ hai là ép ổng cai bằng cách bỏ game online, chuyển qua game offline. Game offline thì hầu như không tốn tiền.
Sau đó, tôi có thai, thực ra có thai thì cũng khỏe, không mệt lắm, nhưng vẫn giả vờ bị nghén, bị mệt, không làm gì được, chuyện gì cũng nhờ ổng làm: Đưa đón đi làm, chở đi siêu thị mua đồ, mua sắm đồ bầu, đồ em bé, làm tất tần tật việc nhà.
Vậy là quay cuồng luôn, không kịp thở, nói gì đến chơi game. Đến lúc có con cũng thế, có chút thời gian nào đâu, tiền eo hẹp lại, rồi bỏ game lúc nào không hay. Đến nay được 5 năm chưa thấy chơi lại…”.
Chị Trịnh Kim Ngân (Bình Thạnh, TP.HCM) thì có cách trị “độc” hơn. Chồng chị chơi trò game online, với nhiều tính năng đáng để ghen: Có cả hẹn hò giả với các game thủ nữ trong trò chơi, rồi kết hôn, rồi sinh con… Thấy chồng mê game quá, nói bao nhiêu cũng lén lút chơi không bỏ, chị tức giận nhờ một đồng nghiệp tìm hiểu game chồng đang chơi, sau đó tạo tài khoản để tham gia game.
Khi tham gia, chị mới thấy được hết sức hấp dẫn của loại giải trí này. Chị cũng chọn cho mình một game thủ là đàn ông để hẹn hò trong game. Sau khi “thả” nhiều lời tình tứ, hẹn hò với “người yêu” trên game của mình, chị Ngân vờ như tình cờ để máy cho chồng phát hiện ra. Đúng như chị mong muốn, sau khi biết chị chơi game và có người yêu trong game, anh chồng nổi cơn thịnh nộ, chất vấn chị.
Chị trả lời: Thì chỉ là trong game thôi chứ có phải ngoài đời thật đâu? Chồng chị càng tức giận: Em có biết từ giả thành thật mấy hồi không, anh chơi nhiều anh biết, không ít người từ chơi game mà thành đôi, cũng không ít người vì game mà ngoại tình bỏ chồng bỏ vợ!. Lúc này, chị mới hỏi: Sao lúc trước khi em cản anh, anh nói với em game chỉ là trò chơi, đâu có dính gì với đời thật mà?...".
Có rất nhiều cám dỗ luôn rình rập chung quanh cuộc sống hôn nhân của mỗi người, đòi hỏi mỗi người phải biết hy sinh, biết khéo léo và vun vén để giữ gìn hạnh phúc khỏi lung lay. Và, với những người vợ đầy khéo léo và bản lĩnh, thì luôn tìm ra cách để “trị” những thói tật của các đức ông chồng, kéo họ về với đời sống gia đình.