Điều đáng nói, nhiều gia đình nghèo cũng tìm mọi cách vay mượn xây nhà đang đối diện với nợ nần chồng chất
Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều những tường rào được xây mới, chắp nối nham nhở, thậm chí nhà ở xây lên trống rỗng, không cửa ngõ ở xã Hòa Phước, huyện Nam Vang, thành phố Đà Nẵng khi có thông tin dự án đường vành đai phía Nam thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2.
Ông Lê Đình Anh- Phó trưởng thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết: "Mục đích của người ta làm là kiếm thêm mấy đồng giải tỏa để bù đắp thêm những việc mà người ta làm sau này".
Lí do là thế, xây không phải để sử dụng- mà để chờ đập đi, nhận tiền đền bù giải tỏa, tâm lí chung ấy tác động đến hầu hết các hộ dân, thậm chí là những hộ nghèo như gia đình bà Nga, thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Thu nhập chỉ dựa vào việc làm nông và tiền làm thuê của người con trai bị
tai nạn mất sức lao động, nghe thông tin nhà nằm trong quy hoạch giải tỏa xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố, bà Nga cũng cố vay mượn hàng xóm hơn 15 triệu đồng để xây nhà chờ đền bù.
|
Bà Nguyễn Thị Nga. |
Bà Nguyễn Thị Nga nói: "Mượn mỗi chỗ một ít, chỗ 1 triệu, 2 triệu, vì họ thấy mình làm gì cho ra, bà thì già, con thì bị tai nạn gãy chân, Thế là họ cho mượn để mà làm chờ giải tỏa
Lí giải về lí do chưa hoàn thiện ngôi nhà, bà Nga cho biết cũng chỉ vay mượn được đến đó. Và quan trọng hơn là bởi, giờ đây bà đang đối diện với nỗi lo lớn bởi dự án hiện thành phố chưa có thông tin về điều chỉnh quy hoạch.
Đối mặt với số nợ "chồng chất" nếu dự án vành đai phía Nam thành phố không được triển khai, bà Nga nói: Nghe nói là họ đình lại không giải tỏa. Tôi kêu, thế là chết, lấy tiền đâu ra mà trả. Heo nuôi thì chết, nhà thì chỉ có 1 sào ruộng.
|
ông Võ Trần Minh Long -chủ tịch UBND xã Hòa Phước. |
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Võ Trần Minh Long - chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, xã chưa nắm rõ về thông tin thành phố sẽ có những điều chỉnh quy hoạch như thế nào. Tuy nhiên, việc người dân xây dựng sau khi công bố quy hoạch để nhận đền bù giải tỏa là việc làm trái phép. Xã đã lập tổ kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ đối với 64 trường hợp.
Ông Võ Trần Minh Long cũng cho biết thêm, về mặt chủ trương là phải giúp họ để họ nhận thức được vấn đề. Chứ kể cả anh đã mượn tiền về xây nhà mà xã đã lập biên bản rồi thì sau này giải tỏa cũng không được đền bù.
Vì sao đã tuyên truyền, đã thành lập tổ công tác để xử lí việc xây dựng trái phép nhưng những công trình vẫn mọc lên, tồn tại?….Đó là vấn đề của chính quyền xã, cũng như vai trò chỉ đạo giải quyết của huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng…Còn riêng với những hộ dân như bà Nga, tiền đền bù không thấy đâu nhưng nợ nần thì đã rõ./.