Sáng nay 26/3, bác sĩ Trần Văn Sóng, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, ngoài một bệnh nhân nghi ngộ độc pate chay trước đó, đơn vị vừa tiếp nhận thêm 3 ca bệnh mới.
Tất cả những người này đều ở Bình Dương và cùng ăn bún riêu chay vào ngày 20/3 do gia đình bà C.N.H. nấu tại một miếu ở thị trấn An Thạnh (huyện Thuận An, Bình Dương) cho nhiều người cùng ăn.
Như vậy, riêng Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 4 trường hợp ngộ độc nghi ăn pate chay, trong đó có ba ca phải thở máy. Hai ca còn lại gồm 1 người cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (đã tử vong) và 1 bé gái 16 tuổi ở Bệnh viện Nhi Đồng 2.
|
Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ người nhà các bệnh nhân, ngày 20/3, gia đình nấu bún riêu chay cho nhiều người cùng ăn. Nguyên liệu có một hộp pate chay đã bị phồng.
Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân nữ 53 tuổi đang trong tình trạng suy hô hấp nặng, hôn mê, liệt tứ chi (trước đó đã có ngưng tim một lần). Khi được truyền một lọ huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum (BAT), 3 giờ sau, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, nghe hiểu.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bé gái 16 tuổi đang suy hô hấp và được thở máy, đồng tử giãn 5 mm, còn phản xạ ánh sáng. Sau 3 giờ truyền huyết thanh kháng độc tố, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn.
Sở Y tế TP HCM yêu cầu người dân tạm ngưng sử dụng tất cả sản phẩm có liên quan đến pate chay và chờ thông tin và thông báo mới nhất từ Ban An toàn thực phẩm TP.HCM.
Những người cùng ăn pate chay với các bệnh nhân trên cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi sức khỏe.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết botulinum là protein độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra. Đây là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết.