Tính đến ngày 31/8, các bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận 9 bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay. Hiện có 5 người được xuất viện, chuyển về điều trị tiếp tục tại các bệnh viện địa phương; vẫn còn 2 bệnh nhân tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân 115.
|
Sản phẩm pate Minh Chay chứa độc tố cực mạnh. Ảnh: Internet. |
Trường hợp mới nhất ngộ độc pate Minh Chay được ghi nhận tại TP HCM là một phụ nữ 41 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân 115 TP HCM. Bệnh nhân là chị L.T.T.H. (41 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương). Trước đó, ngày 27/7, chị H. mua pate Minh Chay qua mạng. Sau ít ngày sử dụng, chị bắt đầu hoa mắt, chóng mặt, tê lưỡi, nói đớ, yếu cơ tứ chi kèm khó thở. Gia đình chuyển chị vào Bệnh viện Columbia (quận Bình Thạnh) điều trị nhưng không thuyên giảm, sau đó được chuyển qua Bệnh viện Nhân Dân 115 vào ngày 12/8.
ThS-BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết tại thời điểm nhập viện cấp cứu bệnh nhân tỉnh nhưng yếu cơ tứ chi (sức cơ gốc chi 4/5, sức cơ ngọn chi 3/5), yếu cơ vùng mặt. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân suy hô hấp, được đặt nội khí quản. Đến nay, bệnh nhân được thay huyết tương 5 lần, sử dụng dịch truyền, kháng sinh, điều trị hỗ trợ tại khoa hồi sức tích cực chống độc.
Sau hơn nửa tháng điều trị tích cực, dù tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng cơ hô hấp của bệnh nhân còn yếu nên vẫn phải thở máy, sức cơ tứ chi hiện mới chỉ đạt 4/5.
Liên quan đến vụ việc Pate Minh Chay chứa độc tố mạnh khiến nhiều người nhập viện, sáng 31/8, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, sức khỏe hai bệnh nhân đang điều trị nội trú khá nặng.
Đó là hai vợ chồng 68 và 70 tuổi ở Hà Nội, được chuyển sang từ BV Lão khoa sang BV Bạch Mai ngày 18/8. Ngay khi tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhân, kiểm tra xét nghiệm cho thấy bệnh nhân ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum.
|
Bệnh nhân 70 tuổi đang phải thở máy do ngộ độc pate Minh Chay. Ảnh: NLĐ. |
Khai thác bệnh sử, cả hai bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm ăn chay của Minh Chay, mua trên mạng. Ăn đến lọ thứ 2 được vài bữa cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện đau họng, khó nuốt, sụt mi, khó nuốt, yếu chân, tay.
Bệnh nhân nam (người chồng 70 tuổi) tình trạng bệnh lý nặng hơn, liệt hoàn toàn các cơ, phụ thuộc máy thở, đồng tử giãn; còn người vợ liệt các cơ nhẹ hơn, nhưng cũng không thể ngồi dậy được, không tự ăn được.
Theo bác sỹ Nguyên, bệnh nhân đến viện khá muộn sau khi ăn thực phẩm dẫn đến ngộ độc… Điều lo ngại trong điều trị loại ngộ độc này phải dùng thuốc giải độc phải và phải được phát hiện sớm. Tuy nhiên, đây là loại ngộ độc hiếm nên thuốc giải độc rất hiếm.
Dù đã được cho dùng thuốc giải độc đặc hiệu có giá lên tới 8.000 USD (khoảng 185 triệu đồng) nhưng bệnh nhân nam chưa thấy có thay đổi, có nguy cơ suy hô hấp, liệt phổi; có thể phải thở máy hàng tháng nữa và gặp rất nhiều nguy cơ trong quá trình nằm viện, bệnh nhân cũng có thể tử vong từ các biến chứng.
Để hồi phục được thì bệnh nhân phải mất rất nhiều thời gian nữa. Bệnh nhân nữ đã hồi phục rõ, ngồi dậy và nói chuyện được.
Ngoài 2 bệnh nhân nặng trên, theo bác sỹ Nguyên, cơ sở cũng tiếp nhận 4 bệnh nhân khác đến thăm khám trong tình trạng nhẹ hơn, mỏi cơ, khó thở, khó nuốt.