Trong lúc hàng nghìn khách tham quan công viên giải trí Disneyland Thượng Hải ngắm pháo hoa và xếp hàng chờ đi tàu lượn mạo hiểm vào ngày 31/10, nhân viên tại đây âm thầm niêm phong cả khu công viên. Những người mặc đồ bảo hộ toàn thân tràn qua cổng, chuẩn bị xét nghiệm mọi người trong công viên ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Ngày hôm ấy, tổng cộng gần 34.000 người tại Disneyland Thượng Hải được xét nghiệm COVID-19. Việc xét nghiệm kéo dài tới gần nửa đêm mới hoàn tất, thời điểm hoạt động vui chơi tại công viên thường đã khép lại từ lâu.
Xét nghiệm xong, hơn 30.000 người được 220 chiếc xe buýt đặc biệt đưa về nhà. Tất cả đều nhận kết quả âm tính vào ngày 1/11 nhưng vẫn được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong 2 ngày và xét nghiệm lại sau hai tuần.
Động thái đóng cửa Disneyland Thượng Hải, công viên giải trí thu lời bậc nhất của hãng Disney, được thực hiện sau khi nhà chức trách phát hiện một phụ nữ dương tính với nCoV.
Bệnh nhân COVID-19 này từng đến Thượng Hải từ thành phố Hàng Châu gần đó trong cuối tuần ấy. Nhà chức trách chưa xác nhận liệu người này có từng tới Disneyland hay không.
|
Khách tham quan tạo dáng chụp ảnh tại công viên giải trí Disneyland Thượng Hải vào tháng 5/2020. Ảnh: Reuters.
|
Bùng dịch càng thường xuyên, nhà chức trách càng mạnh tay
Đối với người dân ở các nước mà COVID-19 đã trở thành bệnh đặc hiệu, phản ứng của nhà chức trách tại Disneyland Thượng Hải có thể rất cực đoan. Nhưng cách phản ứng ấy là điển hình cho chính sách chống dịch triệt để của Trung Quốc.
Từ khi kiểm soát được đợt bùng dịch ban đầu tại Vũ Hán vào tháng 4/2020, Trung Quốc không chỉ tìm cách kiềm chế mà còn muốn triệt tiêu virus.
Để làm điều đó, Trung Quốc triển khai một loạt biện pháp như kiểm soát biên giới, cách ly bắt buộc, phong tỏa địa phương và xét nghiệm diện rộng với mục đích truy lùng ca mắc trước khi đại dịch cắm rễ.
Chiến thuật này đã được áp dụng thành công ở nhiều nơi khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Singapore, Đài Loan, Australia và New Zealand. Nhưng sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan đã khiến cách chống dịch này gần như không còn khả thi.
Lúc này, Trung Quốc đại lục cùng đặc khu hành chính Hong Kong là những thành trì cuối cùng còn theo đuổi đường lối “Zero COVID-19”, trong khi những nơi khác bắt đầu tìm cách mở cửa biên giới và sống chung với virus.
|
Nhân viên y tế xịt khử khuẩn tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 29/10. Ảnh: VCG.
|
Nhưng thay vì dần nới lỏng theo hướng tái mở cửa, Trung Quốc vẫn kiên trì với “Zero COVID-19”, ngay cả khi các làn sóng Delta đang xô tới thường xuyên hơn. Làn sóng hiện tại đã lan ra hơn một nửa các tỉnh, khu tự trị Trung Quốc với khoảng 480 ca mắc cộng đồng.
Khi mối đe dọa từ virus trở nên thường xuyên hơn, các biện pháp chống dịch của Trung Quốc càng thêm phần mãnh liệt. Nhưng những biện pháp ấy có hiệu quả chống dịch bao nhiêu thì cũng làm gián đoạn cuộc sống của người dân bấy nhiêu.
Các lệnh phong tỏa chớp nhoáng và quy định giới hạn di chuyển nội địa được triển khai ngày một nhiều, đè nặng lên chi tiêu khách hàng và nhu cầu tiêu dùng. Trong bối cảnh ấy, một số quan chức thậm chí còn đi xa hơn nữa để ngăn chặn COVID-19.
Chẳng hạn, sau khi phát hiện một ca nhiễm, một quận nhỏ thuộc tỉnh Giang Tây ở miền Đông Trung Quốc chuyển mọi đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn sang màu đỏ.
Tuy nhà chức trách địa phương cho rằng đây là biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu đi lại, động thái này đã bị chỉ trích trên mạng xã hội. Ít lâu sau, biện pháp trên được dỡ bỏ và các cột đèn tín hiệu trở lại hoạt động bình thường, theo truyền thông Trung Quốc.
|
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Thụy Lệ vào ngày 29/10. Ảnh: VCG.
|
Sẽ không đổi chiến thuật trong thời gian ngắn
Có lẽ không nơi nào thể hiện quyết tâm của Trung Quốc đối với “Zero COVID-19” rõ ràng hơn tại thành phố Thụy Lệ nằm ở phía đông nam đất nước, trên đường biên giới chung với Myanmar.
Chỉ trong 7 tháng gần đây, 268.000 người dân Thụy Lệ phải trải qua 4 lần phong tỏa. Họ phần lớn bị cấm đi khỏi thành phố vì nCoV liên tục mò sang từ Myanmar, nơi dịch bệnh đang hoành hành.
Nguyên phó thị trưởng thành phố Thụy Lệ hồi tuần trước đã lên tiếng kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ Bắc Kinh. Vị này cho rằng thành phố không thể một mình kiểm soát dịch, trong khi biện pháp giới hạn đang bào mòn các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ.
Truyền thông địa phương cuối tuần qua cũng đưa tin về việc một em bé được xét nghiệm COVID-19 tới 74 lần kể từ tháng 9/2020, trong bối cảnh xét nghiệm toàn thành phố là một phần then chốt trong bộ công cụ của Trung Quốc.
|
Người dân Bắc Kinh xếp hàng tiêm mũi nhắc lại ngừa COVID-19 vào ngày 30/10. Ảnh: VCG.
|
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không đổi chiến thuật trong thời gian ngắn, kể cả khi thế giới mở cửa.
Nguyên nhân là trong tuần này sẽ có một hội nghị quan trọng về nhập khẩu diễn ra tại Thượng Hải với sự góp mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi Thế vận hội mùa đông cũng sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh trong chưa đầy 100 ngày nữa.
Chính sách “Zero COVID-19” của Trung Quốc cũng được thể hiện qua ông Tập, người chưa từng đặt chân ra nước ngoài kể từ đầu đại dịch.
Chủ tịch Tập đã không tham dự cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp G20 vào cuối tuần qua tại Rome, cũng như bỏ qua hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 bắt đầu từ tuần này tại Scotland.
Trả lời truyền thông địa phương hồi tháng 8, Tăng Quang - cựu nhà khoa học trưởng về dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) - cho biết nước này trung thành với chiến thuật triệt tiêu COVID-19 một phần là do tỷ lệ tiêm chủng chưa đủ cao và cần các mũi tiêm “cập nhật”.
Đến nay, Trung Quốc đã tiêm đầy đủ cho hơn 75% trong số 1,4 tỷ dân bằng vaccine nội địa và đang tiêm nhắc lại cho người trưởng thành.
“Khi hoàn cảnh quốc tế thay đổi, Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi”, ông Tăng nói. “Khi lợi ích từ ‘Zero COVID-19’ không còn, chúng ta cũng sẽ không tiếp tục làm vậy”.