Lá cờ của Liên minh phương Bắc được giương cao lần đầu tiên sau hai thập kỉ vắng bóng. Theo báo The Independent, dù hiện vẫn chưa rõ mức độ đe dọa đối với Taliban, nhưng sự hồi sinh của tổ chức được biết đến với tên gọi Mặt trận Hồi giáo thống nhất cứu rỗi Afghanistan mang nặng tính biểu tượng.
|
Thung lũng Panjshir là căn cứ địa của phe chống Taliban ở miền bắc Afghanistan. Ảnh: NZZ |
Tọa lạc trên dãy núi Hindu Kush, cách thủ đô Kabul hơn 100km về phía bắc, pháo đài tự nhiên của thung lũng Panjshir đã trở thành một thành trì của phe đối lập suốt nhiều thập kỉ nay, chống lại Taliban khi nhóm vũ trang này cai trị đất nước trong 5 năm từ 1996 - 2001.
Giờ đây, trong thung lũng, một số nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có liên hệ với cả chính phủ mới bị lật đổ và lực lượng kháng chiến cũ dường như đang tập hợp lại.
|
Ông Amrullah Saleh tự nhận là "Tổng thống lâm thời hợp pháp" của Afghanistan. Ảnh: Report Wire |
Một trong số họ là Phó Tổng thống thứ nhất Amrullah Saleh. Ngay sau khi Tổng thống Ashraf Ghani đáp chuyến bay bỏ trốn đến Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), ông Saleh đã tự tuyên bố mình là “tổng thống lâm thời hợp pháp”.
Ông Saleh chào đời và được huấn luyện chiến đấu tại thung lũng Panjshir rất lâu trước khi được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cơ quan tình báo Afghanistan.
Lực lượng đối lập còn quy tụ được Ahmad Massoud, 32 tuổi, con trai của cố thủ lĩnh Liên minh phương Bắc Ahmad Shad Massoud. Ông Massoud đã bị al-Qaeda ám sát chỉ 2 ngày trước sự kiện khủng bố nước Mỹ 11/9/2001, nhưng đến nay vẫn là nhân vật huyền thoại đối với tộc người Tajik ở miền bắc Afghanistan. Người Tajik trước đây là thành phần cốt lõi trong liên minh.
|
Ahmad Massoud. Ảnh: Reuters |
Trong một bài xã luận gửi tới Washington Post hồi tuần trước, Ahmad đã kêu gọi phương Tây trợ giúp và cung cấp vũ khí nhằm chống lại Taliban. Anh khẳng định bản thân “sẵn sàng tiếp bước cha”, cùng sát cánh bên các chiến binh dưới quyền chống Taliban một lần nữa.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi. Nếu năm 2001, Liên minh phương Bắc ở Panjshir cung cấp cho các điệp viên và lực lượng đặc nhiệm Mỹ một căn cứ để xúc tiến tấn công, giúp cuối cùng đánh bại Taliban, thì kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul không cần đổ máu, các quốc gia phương Tây ám chỉ họ không có ý định dùng vũ lực chống lại sự cai trị của Taliban.
Thay vào đó, các cuộc thảo luận hiện nhắm vào ngoại giao và việc gây áp lực chiến lược. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố người Afghanistan “phải tự chiến đấu cho mình”.
Hơn thế nữa, chưa rõ mức độ của bất kỳ sự kháng cự nào từ Liên minh hoặc liệu việc cố thủ hiện thời có phải chỉ là bước dạo đầu cho một thỏa hiệp với Taliban hay không. Ngoài ra, Taliban đang ngăn chặn mọi đường tiếp tế cho liên minh qua biên giới Tajikstan.
|
Ahmad Massoud (bìa phải) trong một cuộc nói chuyện với những người ủng hộ ở Panjshir. Ảnh: Reuters |
Các cựu quan chức Afghanistan ước tính số người tham gia nhóm phản kháng khó vượt quá 2.500 người. Lực lượng phản kháng được tin chỉ có trang bị nghèo nàn. Ngược lại, Taliban vừa mới chiếm được một lượng lớn khí tài trị giá hàng triệu đôla mà người Mỹ tặng cho quân đội Afghanistan, kể cả các trực thăng Black Hawk, máy bay không người lái, xe quân sự Humvee...
Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, ông Saleh bày tỏ muốn đối thoại hòa bình với Taliban, nhưng khẳng định không e ngại chiến đấu. Chính khách này kể, ông đã sống sót sau “2 cuộc tấn công và một cuộc phục kích” khi lái xe tới Panjshir.
Ông Saleh từ chối tiết lộ bí mật quân sự cũng như thông tin về hoạt động tại thung lũng, nhưng khẳng định lực lượng của ông “đang kiểm soát tốt tình hình và tổ chức mọi thứ” cũng như liên lạc với các lãnh đạo đã tham gia chống Taliban cách đây 2 thập niên. “Nếu Taliban muốn tiếp tục chinh phạt, họ tốt hơn nên đọc lại lịch sử Afghanistan”, ông khẳng định.
Tạp chí Financial Times dẫn lời một người am hiểu về tình hình an ninh của Panjshir nhận định: “Không dễ tiến vào Panjshir vì vùng này có nhiều núi và đèo cao, nhưng quân đội Taliban mạnh hơn rất nhiều. Các lực lượng chống đối hoàn toàn không phải đối thủ của họ".