Taliban tiến gần cửa ngõ thủ đô - Afghanistan đứng trước bước ngoặt nguy hiểm

Google News

Afghanistan đang đứng trước bước ngoặt nguy hiểm khi lực lượng vũ trang Taliban chiếm được quyền kiểm soát những thủ phủ cấp tỉnh đầu tiên, đặc biệt là thành phố miền Bắc Kunduz.

Đây được xem là một cửa ngõ vào thủ đô Kabul và là một trong những thành trì chống Taliban. Tình hình bất ổn gia tăng dường như đang vượt xa tính toán của Mỹ và các đồng minh, cùng những lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ quốc gia Tây Nam Á này một lần nữa có thể trở thành nơi trú ẩn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Taliban tien gan cua ngo thu do - Afghanistan dung truoc buoc ngoat nguy hiem
Chiến binh Taliban. Ảnh: al Jazeera. 
Chỉ trong vòng vài giờ, Taliban hôm qua đã lần lượt chiếm thêm được quyền kiểm soát 3 thành phố cấp tỉnh, đặc biệt trong đó có Kunduz có vị trí chiến lược ở miền Bắc Afghanistan. Như vậy tới nay, nhóm vũ trang dã chiếm được 5 trên tổng số 34 thủ phủ cấp tỉnh của Afghanistan và dường như đang có được “động lực chiến lược” chỉ vài tuần trước thời hạn chót rút quân của Mỹ.
Việc chiếm được Kunduz là chiến thắng quan trọng nhất của Taliban kể từ khi nhóm vũ trang này phát động các cuộc tấn công hồi tháng 5 vừa qua. Từng hai lần rơi vào tay nhóm vũ trang trong các năm 2015 và 2016, thành phố với khoảng 300.000 dân này là cửa ngõ chiến lược ở miền Bắc Afghanistan, nằm giữa thủ đô Kabul và quốc gia láng giềng Tajikistan. Sau khi chiếm được các khu vực rộng lớn ở nông thôn, từ đầu tháng 8 này, Taliban đã tăng cường tấn công nhằm vào các thành phố lớn.
Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết các lực lượng chính phủ vẫn đang chiến đấu để giành lại các mục tiêu chủ chốt, trong bối cảnh giới phân tích cho rằng khả năng của Kabul trong việc giành lại và kiểm soát miền Bắc sẽ đóng vai trò sống còn đối với sự tồn tại lâu dài của chính phủ Afghanistan. Miền Bắc luôn được coi là thành trì chống Taliban trong những năm 1990. Tuy nhiên, tốc độ tiến công của Taliban đã khiến các quan sát viên cũng như lực lượng an ninh Afghanistan bất ngờ, bất chấp việc nhận được sự trợ giúp của Không quân Mỹ.
Chỉ trích mạnh mẽ các hành động gần đây của Taliban, chính phủ Mỹ cho rằng điều đó sẽ khiến nhóm vũ trạng này có được “tính hợp pháp trên trường quốc tế”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh: “Những hành động như thế này sẽ không mang lại cho Taliban tính hợp pháp quốc tế mà họ tìm kiếm. Taliban không được tiếp tục con đường hiện nay và lực lượng này nên lựa chọn cống hiến sức lực cho tiến trình hòa bình giống như cách mà họ đang sử dụng cho các chiến dịch quân sự. Đây là điều mà người dân Afghanistan rất cần, xứng đáng có được sau nhiều thập kỷ chiến tranh.”
Những diễn biến đáng lo ngại tại Afghanistan đã làm gia tăng lo ngại nước này một lần nữa có thể trở thành nơi trú ẩn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Tướng Richard Barrons, một cựu chỉ huy quân sự cấp cao của Anh đã mô tả việc rút quân của phương Tây là một “sai lầm chiến lược” khi đang tạo cơ hội cho các nhóm vũ trang và khủng bố tái thiết lập lực lượng.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Afghanistan Deborah Lyons thì cảnh báo tình hình Afghanistan đang diễn biến tương tự Syria: “Trong những tuần qua, cuộc chiến ở Afghanistan đã bước sang một giai đoạn mới tàn khốc hơn. Sau khi đánh chiếm các khu vực nông thôn, giờ đây Taliban đang tiến tới các thành phố lớn. Nếu Taliban thực sự cam kết với một giải pháp chính trị thì sẽ không có thương vong cho dân thường lớn đến như vậy. Bởi họ hiểu quá rõ rằng, quá trình hòa giải sẽ khó khăn hơn khi đổ máu nhiều hơn.”
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng Afghanistan hiện nay không giống như Afghanistan cách đây 25 năm. Taliban cũng không phải là một lực lượng đoàn kết, vững chắc và đang cố gắng đàm phán về một số vấn đề. Các nước láng giềng của Afghanistan cũng như các cường quốc đều muốn có hòa bình ở Afghanistan. Vì thế đây cũng là thời điểm tốt nhất để ngưng bắn và đàm phán.
Theo Thu Hoài/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)