7h30 giờ Hà Nội, Sau cái bắt tay, ông Kim dắt ông Moon đi về phần lãnh thổ của Triều Tiên trước khi hai ông tươi cười và cùng dắt tay nhau qua đường phân giới - cột mốc lịch sử cho cả hai nước. Lễ đón long trọng nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra ngay sau đó.
Trước khi tiến vào nhà Hòa bình nơi diễn ra cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo, Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in đã duyệt đội quân danh dự ngay trước nhà Hòa bình và giới thiệu đoàn đại biểu của hai bên tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này.
Được biết, ông Kim Jong-un là lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên trong suốt gần 70 năm qua đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc.Viết trên sổ lưu niệm của Nhà Hòa Bình tại Bàn Môn Điếm, ông Kim viết: "Một lịch sử mới hôm nay bắt đầu; kỷ nguyên của hòa bình, bắt đầu của lịch sử".
|
Hình ảnh Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in nắm tay nhau vượt qua đường phân giới ở khu phi quân sự DMZ vào sáng ngày 27/4. Ảnh: koreasummit.kr. |
"Tôi nói đây trước Tổng thống Moon và rất nhiều nhà báo rằng tôi sẽ có trao đổi tốt đẹp với tổng thống - một cách thẳng thắn, chân thành và thái độ trung thực để có kết quả tốt", nhà lãnh đạo Triều Tiên nói khi ngồi vào bàn và trước đông đảo báo chí.
Ông Moon cũng bày tỏ lòng biết ơn khi ông Kim đồng ý gặp thượng đỉnh. "Khoảnh khắc Chủ tịch Kim bước qua đường phân giới quân sự thì Bàn Môn Điếm trở thành biểu tượng của hòa bình, không còn là biểu tượng chia cắt nữa", ông Moon nói. "Một lần nữa tôi muốn bày tỏ sự tôn trọng với quyết định của Chủ tịch Kim Jong Un giúp cho cuộc thảo luận hôm nay diễn ra".
|
Hình ảnh Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in bắt tay nhau tại đường phân giới ở khu phi quân sự DMZ (phía Hàn Quốc) vào sáng ngày 27/4. Ảnh: koreasummit.kr. |
8h30, Cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra đúng theo lịch trình tại nhà Hòa bình của Hàn Quốc trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Các phóng viên bị hạn chế tiếp cận. Lãnh đạo hai miền dự kiến thảo luận về việc phi hạt nhân và hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại buổi hội đàm, Chủ tịch Kim Jong-un mong muốn có các buổi thảo luận "thẳng thắn" về những vấn đề hiện nay giữa hai miền và chúc cho hội nghị sẽ kết thúc tốt đẹp với những bước tiến mới cho quan hệ hai miền Triều Tiên, cũng như không lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
"Tôi hy vọng sẽ viết lên một chương mới giữa chúng ta và đây là điểm đầu tiên. Chúng ta sẽ tạo ra một khởi đầu mới", lãnh đạo Triều Tiên nói. "Tôi hy vọng chúng ta sẽ không phụ những kỳ vọng mà các bên đặt lên chúng ta. Tôi hy vọng sẽ có những thỏa thuận đáp ứng được những kỳ vọng lớn lao ấy".
Đáp lại, Tổng thống Moon Jae-in cũng phát biểu rằng, "Mong cả thế giới sẽ chú ý tới mùa xuân đang bao trùm bán đảo Triều Tiên. "Việc ngài bước qua đường ranh giới là biểu tượng của hòa bình, không phải chia cắt", ông Moon nói. "Tôi cảm ơn ngài vì hành động dũng cảm đó. Các cuộc thảo luận và đàm phán của chúng ta hôm nay sẽ rất thẳng thắn".
|
Không khí buổi hội đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra khá thoải mái, trước khi chính thức đi vào thảo luận các vấn đề đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện tại. Ảnh: koreasummit.kr. |
10h, cuộc họp buổi sáng kết thúc, hai phái đoàn nghỉ trưa. Chủ tịch Kim Jong-un lên xe để trở về lãnh thổ Triều Tiên dưới sự bảo vệ của các mật vụ Triều Tiên.
Hai lãnh đạo dự kiến gặp nhau vào buổi chiều và trồng một cây thông từ năm 1953, thời điểm hiệp định đình chiến giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được ký kết.
|
Viết trên sổ lưu niệm tại Nhà Hòa Bình tại Bàn Môn Điếm, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un viết: "Một lịch sử mới hôm nay bắt đầu; kỷ nguyên của hòa bình, bắt đầu của lịch sử". Ảnh: koreasummit.kr. |
Từ Bình Nhưỡng, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã rời thủ đô xuôi về phương nam. KCNA nhấn mạnh ông Kim sẽ thảo luận "một cách cởi mở tận tâm can các vấn đề liên quan tới việc cải thiện quan hệ liên Triều, tiến tới đạt được nền hòa bình vĩnh viễn, thịnh vượng và tái thống nhất trên bán đảo Triều Tiên".
Lễ đón có thể được giản tiện hóa. Có thể không có bắn đại bác và chào cờ. Chủ tịch Kim Jong-un của Triều Tiên sẽ duyệt đội danh dự của Hàn Quốc. Do Bàn Môn Điếm chật hẹp nên đội danh dự sẽ chỉ có 100 người thay vì 150 người như thông lệ.
|
Nơi hai nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ gặp mặt bên trong nhà Hòa Bình - Ảnh: koreasummit.kr. |
Thành phần dự mỗi bên là 1+6+6. Ghế 2 trưởng đoàn to hơn ghế đoàn viên, trên đỉnh lưng ghế có khắc hình Bán đảo Triều Tiên.
Bàn đàm phán có độ rộng 2018mm tượng trưng cho sự kiện được tổ chức trong năm 2018, chiếc bàn có hình chiếc cầu được nối từ 2 mố cầu, ý nói sự hàn gắn. Trong phòng có bức tranh lớn vẽ hình núi Kumgang, một trong các biểu tượng của hợp tác hai miền về du lịch.
|
Phần đầu ghế dành cho hai nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên - Ảnh: koreasummit.kr.
|
Mỹ-Hàn ngừng tập trận trong ngày thượng đỉnh liên Triều
Hội đồng tham mưu liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 26/4 cho biết cuộc tập trận "Giải pháp then chốt" giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ tạm dừng trong ngày 27/4 để tạo không khí thuận lợi cho thượng đỉnh liên Triều. Cũng theo JCS, cuộc tập trận quy mô dự kiến kéo dài 4 tuần mang tên "Đại bàng non" cũng đã chính thức kết thúc vào ngày 26/4, chỉ một ngày trước khi lãnh đạo hai miền Triều Tiên gặp nhau ở Bàn Môn Điếm.
Báo chí nước ngoài lần đầu được phép tác nghiệp tại thượng đỉnh liên Triều
Tin từ Nhà Xanh (Văn phòng tổng thống Hàn Quốc) cho biết lần đầu tiên trong lịch sử 3 kỳ thượng đỉnh liên Triều sẽ có mặt các phóng viên nước ngoài. Tổng cộng có 5 hãng thông tấn như Hãng tin Reuters (Anh), Hãng tin Bloomberg (Mỹ), Hãng thông tấn Tân Hoa xã (Trung Quốc), Hãng thông tấn Kyodo và Hãng tin Jiji (Nhật Bản) được phép tham dự.
Tính đến ngày 25/4, có 869 phóng viên thuộc 184 cơ quan báo chí của 36 quốc gia đăng ký tác nghiệp tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018. "Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này được nhiều quan tâm không chỉ Hàn Quốc mà còn cả thế giới. Cả thế giới đang quan tâm chú ý tới hai lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên giải quyết các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc thế nào. Vì thế, chúng tôi sẽ đưa tin nhanh và chính xác cho các độc giả trên thế giới", bà Kim Soyoung, trưởng văn phòng đại diện Reuters tại Hàn Quốc cho biết.
Báo chí nước ngoài được phép tác nghiệp tại các cuộc hội đàm cấp cao liên Triều nhưng chưa bao giờ được phép xuất hiện trong hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại Bình Nhưỡng vào các năm 2000 và 2007.