Sự thay đổi bắt đầu từ bài phát biểu mừng năm mới của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un.
Trong bài phát biểu chào năm mới phát trên truyền hình ngày 1/1, ông Kim đã khiến cả thế giới bất ngờ khi bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ liên Triều, muốn áp dụng các biện pháp như cử phái đoàn tham dự Thế vận hội mùa đông tại PyeongChang của Hàn Quốc..., đồng thời đề nghị tổ chức đàm phán khẩn cấp lãnh đạo cấp cao liên Triều.
|
Trưởng phái đoàn tiền trạm của Triều Tiên, nữ ca sĩ Hyon Song Wol, chuẩn bị làm thủ tục xuất cảnh tại Paju, Hàn Quốc ngày 22/1 sau khi kết thúc hai ngày làm việc. Ảnh: REUTERS. |
Chuyển động nhanh và hiếm thấy
Dường như chỉ chờ có thế, ngay trong ngày 1/1, người phát ngôn của tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh các động thái của ông Kim, đồng thời hi vọng Hàn Quốc và Triều Tiên, với tư cách là bên liên quan, thảo luận biện pháp cải thiện quan hệ hai miền với thái độ có trách nhiệm.
Việc Triều Tiên và Hàn Quốc xích lại với nhau, từ bày tỏ thái độ, đề nghị đến việc ấn định ngày và thông báo cho nhau danh sách các thành viên tham gia đàm phán chỉ diễn ra trong một tuần, có thể nói là thay đổi rất nhanh, thậm chí rất hiếm thấy.
Trở lại với bài phát biểu đột phá của ông Kim, người ta thấy ông sử dụng khoảng 1/5 thời gian bài phát biểu để nói về quan hệ với Hàn Quốc. Ví dụ như Triều Tiên và Hàn Quốc nên tiếp xúc, trao đổi, hợp tác và giao lưu rộng rãi, xóa bỏ sự hiểu nhầm và mất lòng tin. Ông Kim còn khen ngợi Thế vận hội mùa đông là cơ hội tốt để thể hiện địa vị dân tộc, Triều Tiên "chân thành chúc Thế vận hội mùa đông giành được thành công", đồng thời cho rằng "với tư cách là một dân tộc cùng chung huyết thống, chúc mừng việc vui của đồng bào và giúp đỡ lẫn nhau là lẽ chính đáng".
Việc Bình Nhưỡng chủ động nêu mong muốn tiến hành đối thoại khiến những người lo ngại tình hình bán đảo xấu đi, thậm chí xảy ra chiến tranh, thở phào nhẹ nhõm. So với thái độ không tiếp xúc, không đối thoại và không trao đổi qua lại hồi năm 2017, những phát ngôn này của lãnh đạo Kim cho thấy chính sách của Triều Tiên đối với Hàn Quốc đã có những thay đổi đáng kể.
Đối với chính quyền Mỹ, mọi hành động của Triều Tiên và thậm chí là sáng kiến hòa bình cũng bị gọi là khiêu khích. Mọi sự nồng ấm trong quan hệ liên Triều có nghĩa là sự suy yếu đi của mặt trận chống Triều mà Mỹ dày công xây dựng
Ông Alexandre Vorontsov (trưởng khoa Triều Tiên và Mông Cổ thuộc Viện nghiên cứu Đông phương của Viện hàn lâm Khoa học Nga)
Ẩn ý những gì?
Các nhà phân tích và các phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho rằng phát ngôn của ông Kim hàm chứa nhiều ý đồ: 1/ Thông qua cải thiện quan hệ Nam - Bắc để phá vỡ sự trừng phạt ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế (đặc biệt với sự chấp hành nghiêm túc của Trung Quốc), làm giảm áp lực đang đè nặng; 2/ Thông qua đối thoại liên Triều để mở ra cánh cửa đối thoại với Mỹ; 3/ Xem đối thoại liên Triều là bước đột phá, chêm chiếc đinh vào quan hệ Mỹ - Hàn, làm suy yếu liên minh này.
Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc còn phân tích rằng ông Kim đã đưa ra "những tín hiệu hoàn toàn khác nhau" đối với Mỹ và Hàn Quốc - cứng rắn với Mỹ và ôn hòa với Hàn Quốc. Do đó, sự trao đổi, phối hợp giữa Hàn Quốc và Mỹ trong thời gian tới "càng trở nên đặc biệt quan trọng".
Tuy nhiên, nhìn theo chiều dài lịch sử sẽ thấy rằng đến nay, hai miền Triều Tiên đã tổ chức khá nhiều cuộc đối thoại, đạt được rất nhiều thỏa thuận, nhưng do những lý do khác nhau (đôi khi vì những vấn đề chi tiết vụn vặt) dẫn đến gián đoạn và thất bại.
Rõ ràng việc lần này Triều Tiên cử phái đoàn sang Pyeongchang là một điều tốt, nhưng đó chỉ là một động thái để tạo bầu không khí tốt đẹp cho việc nối lại các cuộc đối thoại. Những điều như vậy trước đây cũng từng xảy ra.