Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 vừa chữa trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị P. (51 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội) bị viêm gan nhiễm độc, viêm tụy cấp... do uống thuốc Nam. Đặc biệt, trước đó khoa cũng tiếp nhận 4 bệnh nhân khác cũng bị nhiễm độc.
Suy gan cấp dễ hôn mê gan và tử vong
Chị Nguyễn Thị P. đi khám bệnh và làm xét nghiệm không có bệnh lý về gan mật, chỉ rối loạn mỡ máu hơi cao nên uống thuốc Nam để điều chỉnh mỡ máu. Sau 1 tháng uống 12 thang thuốc, chị có biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn và sau đó bị đau bụng cấp nên đi viện cấp cứu. Kết quả xét nghiệm bước đầu chị bị viêm gan nhiễm độc, viêm tụy cấp...
BSCK II Vũ Đức Chung, Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 cho biết, bệnh nhân nhập viện không có biểu hiện vàng da, vàng mắt chỉ đau bụng, buồn nôn, soi dạ dày thấy viêm phù nề, trào ngược dịch mật (bệnh cảnh nhiễm độc đường tiêu hóa).
Đặc biệt, các chỉ số xét nghiệm men gan đều tăng rất cao, có chỉ số tăng gấp trên 40 lần như SGOT là 1536,2 u/l trong khi chỉ số người bình thường là < 40, hay SGPT là 1093,8 u/l (bình thường < 40)... Chỉ số về tụy amylase cũng tăng cao 1722 u/l (bình thường < 220u/l)... Bệnh nhân được điều trị tích cực sau 3 ngày SGOT giảm còn 340 U/l, SGPT còn 652 u/l và amylase còn 241 u/l và 10 ngày sau bệnh nhân ra viện.
Theo BSCK II Vũ Đức Chung, rất may là bệnh nhân P. đến viện sớm, chậm 1 - 2 ngày thì suy gan nhiễm độc cấp tiến triển dễ dẫn tới hôn mê gan và có thể tử vong.
|
Thăm khám cho bệnh nhân Phạm Thị Phùng tại Bệnh viện 354. |
Thuốc Nam đứng hàng thứ 5 gây ngộ độc
Thực tế tại Bệnh viện Da liễu, Trung tâm Chống độc, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị dị ứng nặng, gây biến chứng gan, thận, nhiễm trùng huyết... điều trị 2 - 3 tháng mới khỏi và không ít trường hợp đã tử vong.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc thuốc Nam đứng hàng thứ 5 trong các loại ngộ độc và hiện nay đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân của tình trạng này là do những thuốc Đông y được sử dụng từ lá cây, động vật... chủ yếu là dùng do truyền miệng và kinh nghiệm của một số thầy lang hành nghề không có giấy phép hoặc tự xưng là lương y gia truyền.
Người dân thường nhẹ dạ, cả tin hoặc tự ý dùng thuốc. Nhiều người nhờ người khác mua thuốc hộ mà không trực tiếp đi khám bệnh. Khi bốc thuốc, các bệnh nhân chỉ nhận được thuốc mà không có đơn thuốc rõ ràng, không biết thành phần trong đó có gì. Họ đã không biết rằng, hầu hết trong thành phần các cây đều có hàm lượng toxin (độc tố trong cây) ở các mức độ khác nhau, có những cây cực độc như củ ấu tầu...
Hơn nữa, thuốc Nam lại được pha trộn từ nhiều loại cây, con vật độc như mã tiền, sâu ban miêu, thậm chí nhiều thầy lang lại còn cho vào thuốc Nam là chu sa, thần sa, nhân môn... có hàm lượng kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen... ở mức cao và nhiều độc chất khác khó xác định chính xác tên và hàm lượng nên bệnh nhân ngộ độc.
BSCK II Vũ Đức Chung cảnh báo, hiện thuốc Nam được mua từ những nguồn hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc và thường được bảo quản bằng các chất hóa học gây nguy hại cho sức khoẻ. Khi bị ngộ độc khó xác định độc tố và điều trị ngộ độc thuốc Nam không có thuốc đặc hiệu, đa số người bệnh đã bị nặng do chất độc tích tụ trong cơ thể lâu (ngộ độc thuốc Nam hầu hết xảy ra từ từ, có người uống tới cả chục thang mới bị). Khi mới bị, nó gây rối loạn hệ thống tiêu hóa (nôn, đi ngoài...), sau 3 - 4 ngày, các tổn thương ở bộ phận tiêu hóa nặng lên, xuất huyết dạ dày, thủng ruột... rồi gây suy gan, suy thận, hỏng bộ phận thần kinh (co giật), liệt cơ, suy hô hấp, đái ra máu... Đa số bệnh nhận nhập viện trong tình trạng muộn, suy gan thận, chảy máu nội tạng, đái ỉa ra máu...
Trong tuần qua, riêng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 đã tiếp nhận tới 4 bệnh nhân bị nhiễm độc gan do uống thuốc Nam, trong đó nguy hiểm nhất là bà Phạm Thị Phùng (54 tuổi ở Hà Nội), bị xơ gan K hóa, nhiễm độc gan nặng nề...