Dư luận cả nước hiện đang dồn mọi quan tâm vào Dự án thủy lộ và thủy điện dọc Sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành). Theo dự kiến, công ty này sẽ triển khai làm nhiều phần trong đó có 6 nhà máy thủy điện trên sông Hồng.
Ngay khi có thông tin về siêu dự án sông Hồng, nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, chuyên gia quân sự...đã lên tiếng không đồng tình bởi nhiều lý do. Ở góc độ nghiên cứu địa chất, nhóm tác giả gồm Tiến sĩ Lê Huy Y và các kỹ sư của Liên hiệp KH Địa chất và Du lịch như kỹ sư Lê Trung Chính, Lê Trung Kiên, Trương Mạnh Điệp vừa gửi đến báo điện tử Kiến Thức bài viết phân tích những góc cạnh liên quan đến việc ảnh hưởng của dự án đến địa chất và các tài nguyên thiên nhiên khu vực sông Hồng.
|
Xây dựng thủy điện trên sông Hồng là chôn vùi khoáng sản quý hiếm. |
Kiến Thức trân trọng giới thiệu bài phân tích trên:
“Nhiều ngàn đời nay, sông Hồng đã sinh ra, nuôi dưỡng đồng bằng Bắc Bộ và mọi sinh vật sống trên nó bằng nước và phù sa của dòng sông. Nếu còn phải ăn cơm gạo và không sợ các thảm họa nhiều mặt sau này thì không nên chặn dòng sông này với bất cứ lý do gì. Bài này tác giả chỉ muốn nêu về các dấu hiệu địa chất, địa vật lý dọc vùng Sông Hồng để cùng xem xét có thể xây đập chặn sông Hồng hay không?
Về địa chất: Sông Hồng từ khi chảy vào đất Việt (Bát Sát-Lào Cai) cho đến cầu Việt Trì là nằm trùng khít lên đứt gẫy sông Hồng. Sau khi hợp lưu với sông Đà và các sông khác thì mới đổi hướng trên đồng bằng Bắc Bộ để chảy ra biển. Tuy vậy, nối điểm đầu vào và cửa biển của sông thì sông Hồng có hướng chạy chuẩn Tây Bắc – Đông Nam, trùng lên đứt gẫy Sông Hồng.
Đứt gẫy Sông Hồng là một đứt gẫy sâu, kéo dài từ Vân Nam-Trung Quốc ra Biển Đông theo hướng chuẩn Tây Bắc – Đông Nam, dài hơn ngàn cây số và đới cà nát, ảnh hưởng rộng hàng trăm mét.
Về địa vật lý: Đứt gẫy Sông Hồng được ghi nhận bởi một chuỗi dị thường từ hàng không (do Liên đoàn Vật lý Địa chất thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô bay đo vào những năm 60 của Thiên niên kỷ trước). Đó là các dị thường từ dọc quốc lộ 2 của các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Cổ Loa, Đông Anh, Phú Xuyên (Hà Nội), Núi Gôi, Hải Hậu (Nam Định). Các dị thường này có cường độ mạnh không kém vùng Sông Tranh (Quảng Nam và có hướng Bắc – Nam chứng tỏ vật thể có từ bên dưới bị từ hóa từ kỷ Paleogen (cách ta vài chục triệu năm) đến nay. Bản chất địa chất của vật thể gây dị thường từ này (theo chúng tôi) là các khôi xâm nhập nông á núi lửa trẻ, thành phần bazơ-kiềm. Theo kinh nghiệm, các khối xâm nhập nông á núi lửa này là các khối macma muộn đi lên tại các giao điểm của 4 đứt gẫy sâu cỡ Manti. Đã có khoan thăm dò ở vùng Phú Xuyên, Hải Hậu và những năm 1970, nhưng do chưa xác định được đúng tâm dị thường nên chỉ gặp đá phun trào biển Xpilit.
Về mặt kiến tạo: Không được xây bất cứ đập nào đè lên các đứt gẫy lớn còn có dấu hiệu hoạt động. Một số trận động đất ở Vân Nam(Trung Quốc), ở Lào Cai, Hà Nội,… chắc chắn liên quan đến sự tái cựa mình của các khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ nằm dọc đứt gẫy sông Hồng.
Bên cạnh đó, các tài nguyên khoáng sản liên quan với các khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ này là các khoáng sản kim loại và quý hiếm. Đã tìm được: đồng, vàng (Sinh Quyền-Lào Cai), sắt, đá quý, chì, kẽm (Yên Bái), phenspat,… (Phú Thọ), đá ong (ở Phúc Yên, Đông Anh (Hà Nội) và chưa tìm được gì ở Phú Xuyên (Hà Nội), Thanh Liêm (Hà Nam), Núi Gôi, Hải Hậu (Nam Định).
Những khoáng sản này đã bị người Trung Quốc khai thác hàng nghìn năm, người Pháp hơn trăm năm và người Việt mấy chục năm, nhưng, theo tôi, họ mới chỉ “nhặt” được phần ngọn trên mặt, phần lớn các thân quặng còn ở dưới sâu mà chúng ta chưa đủ tài và tiền để với được. Xin để cho con, cháu chúng ta. Không thể làm một báo cáo hết khoáng sản để xây đập thủy điện chôn vùi vĩnh viễn nguồn tài nguyên quý giá của Đất nước. Nói như vậy vì các con sông lớn thường nằm trùng với các đứt gẫy sâu, mà tại giao điểm của các đứt gẫy sâu thì núi lửa mới mang khoáng sản lên mặt đất hoặc gần mặt đất được.
Một trong những mục tiêu của Dự án Sông Hồng là:”phát triển khoáng sản”, nhưng thực ra là chôn vùi vĩnh viễn các khoáng sản quý hiếm dọc đứt gẫy Sông Hồng, đứt gẫy lớn nhất Việt Nam.
Chiều 9/5, Văn phòng Chính phủ đã phát đi một văn bản do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thông báo ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ: “Chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến giao thông thủy Xuyên Á trên sông Hồng vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật". Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững. Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.