Dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện đã chính thức được Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) trình Thủ tướng xem xét chủ trương đầu tư. Theo dự án này, từ “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” sẽ làm nhiệm vụ giao thông đường thủy, phát điện, tích nước thủy lợi...
Dự án thủy lộ và thủy điện trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành), đề xuất với tham vọng tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỉ USD (khoảng 24.500 tỉ đồng).
|
Những chiếc thuyền neo đậu trên sông Hồng, đoạn Tứ Liên - Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng |
Giao thông kết hợp
thủy điện
Dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện có thể tóm tắt như sau: dự tính nâng cấp, kết nối hai tuyến vận tải thủy hiện nay từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập và âu tàu để nâng cao mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại.
Đồng thời sẽ nạo vét 288km sông từ Việt Trì lên Lào Cai. Đặc biệt, để đảm bảo mục tiêu kinh tế cũng như tính đồng nhất của dự án, chủ đầu tư đề xuất sẽ làm 6 nhà máy thủy điện nhỏ trên sông Hồng (tương ứng với 6 đập) với công suất khoảng 228 MW (hằng năm có thể cung ứng khoảng 1 tỉ kWh) với công nghệ tuôcbin trục ngang cột nước thấp.
Để thực hiện dự án, Công ty Xuân Thiện cho biết sẽ cần khoảng 24.510 tỉ đồng. Công ty này sẽ lo được khoảng 30% vốn, còn lại là vay thương mại. Sau khi đầu tư, chủ đầu tư sẽ thu phí và đây sẽ là nguồn thu chính để thu hồi vốn cho dự án. Mức phí được dự kiến ở mức 10.000 - 15.000 đồng/tấn (riêng đoạn Việt Trì - Yên Bái). Đoạn khu vực Yên Bái 40.000 - 45.000 đồng/tấn...
Chủ đầu tư tính toán nguồn thu từ thủy điện khá lạc quan. Theo đó, khi bắt đầu phát điện, giá điện mà thủy điện này bán được sẽ ở mức 1.900 đồng/kWh, dần tăng giá lên khoảng 3.500 đồng/kWh (nhiều thủy điện hiện nay đang bán điện với giá chỉ khoảng 450-1.000 đồng/kWh). Nhà đầu tư dự kiến thu hồi vốn sau 25 năm.
Về ảnh hưởng đến người dân, dù sẽ phải nâng cao mực nước, xây dựng quy mô lớn nhưng Công ty TNHH Xuân Thiện đánh giá sẽ chỉ ảnh hưởng tới khoảng 600 nhân khẩu ở 31 xã thuộc địa bàn Yên Bái, Lào Cai. Do mực nước ở các đập ngăn sẽ vẫn thấp hơn mực nước lũ hằng năm nên dự án cơ bản không làm thay đổi lòng sông.
Phải hết sức cân nhắc
Trao đổi với PV về siêu dự án này, ông Tạ Văn Hường - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch VN - cho rằng việc đầu tư 6 thủy điện, công suất 228 MW thì không còn là thủy điện nhỏ nữa. Muốn đánh giá chi tiết dự án tốt hay chưa tốt phải có đề án cụ thể.
Tuy nhiên, ông Hường nêu: nếu được chấp nhận chủ trương đầu tư thì sẽ phải tiếp tục nghiên cứu khả thi, tính toán các thông số cụ thể, xem vị trí đập, các phương án kỹ thuật, đặc biệt phải đánh giá tác động
môi trường.
Theo ông Hường, việc đánh giá tác động môi trường cần làm hết sức chi tiết, nhất là dòng sông Hồng ảnh hưởng đến gần như cả khu vực đồng bằng Bắc bộ.
Về lý thuyết thì hoàn toàn có thể làm thủy điện ngay cả khi không có cột nước cao, tuy nhiên ông Hường băn khoăn việc nâng mực nước, làm đập lẫn âu tàu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân chứ không đơn giản như các nghiên cứu ban đầu của chủ đầu tư. “Cần hết sức cẩn trọng” - ông Hường nói.
Theo một chuyên gia ngành công thương, việc đẩy mạnh đầu tư và nâng cao hiệu quả vận tải đường thủy là đúng. VN hiện nay quá nghiêng về vận tải đường bộ, tạo gánh nặng và quá tải trên nhiều tuyến cho vận tải đường bộ.
Theo ông, nếu làm được đường thủy thuận lợi, tăng được vận tải trên tuyến đường thủy, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm chi phí, giảm ô nhiễm... là điều rất tốt. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo: cần có sự tham vấn nhân dân bởi đây là dự án có thể liên quan đến hàng triệu người.
Chưa kể khi làm dự án sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, môi trường của họ mà sau khi dự án đi vào hoạt động, hệ quả đầu tiên là những con tàu vận tải đường thủy chắc chắn sẽ phải đóng phí, thay vì cơ bản miễn phí như hiện nay.
Mức phí cũng cần làm rõ, rồi khả năng chịu đựng của người dân và khả năng hiệu quả của dự án như thế nào. Bởi nếu dự án không hiệu quả, không những tai hại cho chủ đầu tư mà còn lãng phí xã hội về chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên, môi trường rất lớn.
Bà Ngụy Thị Khanh - giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) - tỏ ra bất ngờ khi có ý tưởng làm thủy điện trên sông Hồng.
Theo bà, các dòng sông nhánh hiện đã bị “băm nát” để làm thủy điện, chỉ còn dòng chính nhưng với dự án này dòng chính cũng bị chặn làm 6 khúc. Bà Khanh tỏ ra lo lắng nếu làm thủy điện ở sông Hồng bởi thủy điện sẽ điều tiết dòng chảy. “Trước đây đồng ruộng còn có phù sa, sau khi nhiều thủy điện vào, phù sa ít hẳn, mùa lũ có khi còn trơ đáy sông” - bà Khanh nói.
|
Sông Hồng mùa nước cạn - Ảnh: Hoài Linh |
Bộ, ngành băn khoăn
Theo văn bản của Bộ KH-ĐT, dự án của Xuân Thiện đã được nhiều bộ ngành cho ý kiến đánh giá, như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính...
Bộ Giao thông vận tải trong văn bản gửi Bộ KH-ĐT đánh giá nếu triển khai thành công, dự án chắc chắn sẽ tạo một tuyến vận tải hàng hóa chi phí thấp, tiện lợi, đủ sức thay đổi diện mạo giao thông khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, cũng có góp ý băn khoăn, lo ngại. Văn bản của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký, cho rằng nếu dự án phải vay 70% thì vốn chủ sở hữu mà Xuân Thiện phải có sẽ ở mức trên 7.300 tỉ đồng, trong khi đó vốn điều lệ hiện nay của Xuân Thiện mới có 1.200 tỉ đồng. Việc các ngân hàng cho vay hay không cũng chưa thể khẳng định.
Và với dự án quy mô lớn như vậy, khả năng tăng vốn đầu tư, chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính là điều có thể xảy ra. Bộ Tài chính cũng thể hiện băn khoăn về giá điện mà Xuân Thiện tính toán có thể bán ra ở mức 1.900 đồng/kWh. “Nguồn thu từ bán điện là rủi ro tài chính lớn” - Bộ Tài chính nêu.
Tập đoàn Điện lực VN khi góp ý dự án cũng nói thẳng: các thủy điện trên sông Hồng hiện chưa có trong quy hoạch điện VII mà Thủ tướng vừa thông qua. Cũng chưa có khảo sát về địa chất, thủy văn, nên tập đoàn này chưa đủ cơ sở để góp ý xem hiệu quả của 6 thủy điện mà Xuân Thiện xin đầu tư như thế nào cũng như sản lượng các thủy điện này có thể phát.
Vì vậy, Bộ KH-ĐT mới trình xin chủ trương đầu tư nhưng cũng yêu cầu rõ: chủ đầu tư sẽ phải làm rõ thêm các vấn đề khi đầu tư dự án, nhất là ở khâu xin cơ chế đặc thù cho dự án. Bộ KH-ĐT cũng đề nghị giao chủ đầu tư lập nghiên cứu khả thi theo quy định.
>>> Xem thêm video: Thủy điện đe dọa dân lưu vực sông Mê Kông - VTC