Sáng 24/2, hàng chục người dân ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu đi bộ đưa tang vượt qua cây cầu treo thì
dây cáp đứt. Nhiều người rơi xuống suối từ độ cao 9m. Vụ sập cầu khiến kết quả cuối cùng là 9 người thiệt mạng (7 người chết tại hiện trường và trên đường cấp cứu, 2 người tử vong ở bệnh viện). 36 người bị thương nặng, nguy kịch vì đa chấn thương.
Mới đây, Bộ GTVT đã đưa ra kết luận về nguyên nhân vụ sập cầu. Theo đó, phân tích đánh giá về mặt kỹ thuật cho thấy, việc đưa tang có tập trung nhiều người trên ½ chiều dài cầu nhưng tổng tải trọng còn nhỏ hơn so với khả năng chịu tải của cầu theo thiết kế nên nguyên nhân sự cố không phải do quá tải đông người. Không có biểu hiện cộng hưởng dao động do tác động của nhiều người trùng tần số, ảnh hưởng của gió và nhiệt độ không ở mức nguy hiểm cho công trình.
Nguyên nhân sự cố có thể khẳng định do đơn vị thi công không làm theo đúng hồ sơ thiết kế. Cụ thể, việc chế tạo ắc neo tăng đơ có 2 sai sót lớn là không đúng thiết kế và không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Theo đó, tiết diện ắc neo thực tế tại vị trí nhỏ nhất khoảng 25 cm2 chỉ bằng khoảng 50% tiết diện chịu lực thiết kế. Bề mặt lỗ ắc neo tăng đơ lồi lõm biểu hiện không được gia công chế tạo đúng yêu cầu kỹ thuật, có khả năng khi chế tạo đã sử dụng biện pháp gia nhiệt thổi thủng chiều dày, sai chỉ dẫn kỹ thuật. Theo nhận định của Tổ công tác đây là nguyên nhân trực tiếp gây sự cố.
|
Trụ tháp neo của cầu Chu Va được độn gạch bao quanh, chi tiết này không có trong bản thiết kế. |
Một sai phạm khác được phát hiện là thi công trụ tháp neo không đúng yêu cầu kỹ thuật, việc ốp gạch, trát phủ ngoài trụ tháp không có trong hồ sơ thiết kế và không đúng các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện hành.
Bộ GTVT cũng đã đề nghị xem xét, khởi tố vụ án để xử lý trách nhiệm với các đơn vị liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn.
Nhiều người băn khoăn không biết liệu các đơn vị liên quan trên sẽ phải chịu tội như thế nào, và có cá nhân cụ thể nào phải chịu trách nhiệm hình sự cho vụ tai nạn tang thương này? Hình phạt có đủ lạnh để cảnh báo cho những trường hợp sau?
Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Minh, cho hay: "Theo như nội dung báo chí phản ánh thì Bộ GTVT kết luận việc sập cầu Chu Va là do sai phạm của các bên thi công, tư vấn, giám sát và cả chủ đầu tư khi xây dựng cầu Chu Va. Nếu kết luận này là đúng thì hành vi này của cả 3 bên có dấu hiệu phạm vào tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự. Việc gây ra cái chết của 9 người có thể tham khảo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP để coi đây là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (làm chết từ 3 người trở lên) và như vậy người phạm tội sẽ bị xử lý theo Khoản 3 điều này với mức hình phạt từ 8 - 20 năm tù. Ngoài ra thì trong vụ án hình sự tòa án sẽ giải quyết luôn cả vấn đề dân sự, nghĩa là bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Tất nhiên tùy từng mức độ sai phạm của các bên mà mà cơ quan điều tra quyết định có khởi tố hay không và nếu có khởi tố thì mức trách nhiệm của cá nhân liên quan trong từng bên cũng khác nhau".
Còn theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, vì vụ sập cầu treo Chu Va 6 đã làm 9 người chết và vài chục người bị thương nên hành vi này có thể cấu thành tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo điều 99 Bộ luật Hình sự. Theo đó, nếu làm chết một người thì có thể bị phạt tù từ 1 - 6 năm nhưng nếu làm chết nhiều người thì có thể bị phạt tù từ 5 - 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. Ngoài ra, họ còn phải bồi thường thiệt hại về dân sự cho nạn nhân.
Luật sư Hiệp trích dẫn luật, theo Điều 627 Bộ luật Dân sự thì “chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.
Tuy nhiên, trường hợp chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý biết là có sự cố nhưng không có biện pháp ngăn chặn để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì mới chịu trách nhiệm. Trường hợp không thể biết hoặc không thể dự đoán được hậu quả có thể xảy ra thì khó để quy trách nhiệm cho chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý công trình”.
“Luật đã có sẵn, quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý sai phạm, điều quan trọng giờ đây là cơ quan chức năng và các nhà quản lý vào cuộc quyết liệt như thế nào để phân định rõ trách nhiệm của những người liên quan, nhằm đem lại niềm tin cho người dân cũng như răn đe những người làm sai, hạn chế những tai nạn như vụ sập cầu treo Chu Va 6 này”, ông Hiệp nói.