Trung Quốc leo lẻo nói càn không chớp mắt
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Minh, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng Trung Quốc trình công hàm tố cáo Việt Nam lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm "nói cho cộng đồng quốc tế sự thật và giúp cho họ hiểu đúng vấn đề".
|
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Ánh lại tiếp tục luận điệu vô lối cáo buộc Việt Nam. |
Bình luận về vấn đề, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tiếp tục cáo buộc Việt Nam đang "tăng cường quấy rối trên biển và tìm cách bôi xấu Trung Quốc trên trường quốc tế".
“Một mặt, họ tăng cường các hành động phá hoại và quấy nhiễu trong khi trên trường quốc tế ai cũng thấy họ đang tha hồ dựng chuyện, vu khống và chỉ trích Trung Quốc một cách phi lý”, bà Hoa phát biểu trong một cuộc họp báo.
Do đó, bà Hoa nói, Trung Quốc phải giải thích với thế giới về "tình hình thật sự" để cho thế giới biết rõ về "mục đích thật sự của Việt Nam trong việc thổi phồng vấn đề một cách vô cớ".
Việt Nam vẫn kiềm chế và kêu gọi đối thoại
Trước diễn biến leo thang giàn khoan trái phép Hải Dương 981 và việc Trung Quốc lưu hành công hàm tại LHQ vu cáo Việt Nam sau khi Việt Nam gửi công hàm lên Tổng Thư ký LHQ phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, ngày 10/6, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã gặp gỡ và trả lời phỏng vấn một số phóng viên báo chí quốc tế tại New York.
|
Từ đầu tháng 5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam |
Đại sứ Lê Hoài Trung kêu gọi Trung Quốc dời giàn khoan Hải Dương 981 và hơn 100 tàu ra khỏi khu vực đang đóng để tạo "môi trường đàm phán". Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh từ chối đối thoại và một mực nói rằng vùng biển đặt giàn khoan không có tranh chấp gì và hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
"Việc Trung Quốc không chịu đàm phán là khiêu khích và gây quan ngại nghiêm trọng. Cho đến giờ, Việt Nam vẫn kiềm chế nhưng dĩ nhiên chúng tôi luôn có quyền tự vệ như bất kỳ quốc gia nào khác", Đại sứ Lê Hoài Trung nói.
Trước câu hỏi về những cáo buộc của Trung Quốc rằng, các tàu Việt Nam đã cố ý quấy nhiễu và đâm tàu Trung Quốc, Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh: Khu vực mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam chỉ điều các tàu dân sự tới khu vưc để thực thi pháp luật, nhưng phía Trung Quốc đã điều cả tàu chiến tới khu vực này. Việt Nam đã công khai mời các phóng viên quốc tế ra thực địa để tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra, thậm chí Việt Nam cũng đã lên tiếng mời các phóng viên Trung Quốc tới hiện trường. Những hình ảnh mà các phóng viên Việt Nam và quốc tế đã công bố như hình ảnh tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công bằng vòi rồng, hay cố ý đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, đã cho thấy sự thật.
"Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan. Việt Nam không phải là nước khiêu khích trong căng thẳng hiện nay. Việt Nam muốn giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại, đàm phán. Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh nên người dân Việt Nam luôn mong muốn hòa bình. Đại sứ cũng khẳng định cho tới nay, Việt Nam đã hết sức kiềm chế", Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Đọ bằng chứng và phải kiện ra tòa quốc tế... Việt Nam chắc chắn thắng!
Tờ The Diplomat mới đây bình luận: Lý do của việc Trung Quốc đưa vụ giàn khoan Hải Dương 981 ra LHQ là Bắc Kinh cho rằng, nước này sở hữu quần đảo Hoàng Sa và không có tranh chấp tại đây. Tuy nhiên, tài liệu do Bắc Kinh đưa ra cố tình quên thực tế rằng, quần đảo Hoàng Sa thuộc sở hữu của Việt Nam và Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng năm 1974.
The Diplomat nhận định trên thực tế Trung Quốc lo ngại việc Việt Nam có thể kiện nước này ra tòa án quốc tế. Nếu làm như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Nhật, Australia và rất nhiều nước khác.
Bằng việc chủ động đưa vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 ra LHQ, Trung Quốc muốn cản trở Việt Nam kiện ra tòa án quốc tế vì Bắc Kinh lo ngại Việt Nam có thể kiện nước này ra tòa án quốc tế. Hơn nữa, theo The Diplomat, việc “quốc tế hóa” vụ việc lần này là nước cờ mạo hiểm của Trung Quốc. Nguyên do là bản đồ “đường lưỡi bò” của nước này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, nên Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ thua kiện.
Không dừng ở đó, hôm qua (11/6),
Thẩm phán Anotnio Carpio của Tòa án Tối cao Philippines sau khi nghiên cứu các bản đồ Trung Quốc cổ đại, đã gọi tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền với 90% Biển Đông là “ngụy tạo lịch sử khổng lồ”.
Thẩm phán Carpio tuyên bố rằng, ông đã nghiên cứu 72 bản đồ cổ, trong đó 15 bản có xuất xứ Trung Quốc. Theo đó, trên các bản đồ thời nhà Tống (960-1279), nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1912), đảo Hải Nam luôn được ấn định là vùng lãnh thổ cực nam của Trung Quốc. Toàn bộ các bản đồ hiện được bảo quản dành cho tiếp cận công khai trong Thư viện Mỹ.
Cũng theo Thẩm phán Philippines, sự cần thiết dựa trên những cứ liệu lịch sử chân thực để phản bác tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông bởi chính quyền Bắc Kinh đang dùng lối bóp méo sự thật để hình thành ý kiến công chúng, đồng thời tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực bảo vệ quyền chủ quyền của nước này.
Trao đổi với
Kiến Thức về luận điệu vô lối cáo buộc và bôi nhọ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế,
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu IV, nhận định: Trung Quốc đang chứng minh mình là nước nói một đằng làm một nẻo, vừa ăn cướp vừa la làng. Trung Quốc là nước đem giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cũng chính Trung Quốc là nước đưa số lượng lớn tàu quân sự, tàu chiến, máy bay tới khu vực giàn khoan Hải Dương 981 và liên tục gây ra những hành động hung hăng như chĩa súng máy, phun vòi rồng, đâm vào tàu chấp pháp Việt Nam, đâm vào tàu cá ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Điều này, cả thế giới đều biết. Bởi thời đại thông tin đại chúng, nhiều PV quốc tế đến đưa tin trực tiếp từ khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Trung Quốc không thể che đậy một sự thật, chính họ mới là nước xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và gây hấn với lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
"Bản thân Trung Quốc gửi văn bản lên Liên Hiệp Quốc dùng những luận điệu xuyên tạc tố cáo Việt Nam thì Trung Quốc có dám thách thức Việt Nam kiện ra tòa quốc tế hay không? Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế thì Trung Quốc có sẵn sàng ra tòa để đối chất hay không? Trung Quốc càng có những luận điệu xuyên tạc như thế này thì thế giới càng nhìn nhận Trung Quốc bằng con mắt khinh thường bởi thế giới thường xuyên cập nhật những thông tin từ Biển Đông chứ không phải là thời đại mù thông tin như trước, mà Trung Quốc muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm", Tướng Thước nói.
Về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, PGS.TS.LS Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế, Khoa Luật, Đại Học Quốc gia Hà Nội, cũng khẳng định: "Qua nghiên cứu của tôi trong hơn 30 năm qua, tôi khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ một căn cứ pháp lý quốc tế nào tại Biển Đông, đặc biệt là với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, Việt Nam có thừa căn cứ pháp lý quốc tế, có thừa các bằng chứng khẳng định chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động đặt giàn khoan Hải Dương 981 là Trung Quốc đã vi phạm những luật, những công ước quốc tế mà chính Trung Quốc đã thò bút ký vào, chính Trung Quốc đã cam kết".
"Nếu chúng ta không cương quyết, hôm nay Trung Quốc cướp biển, ngày mai Trung Quốc sẽ nhảy lên bờ. Dường như tham vọng của Trung Quốc là không có giới hạn. Nếu không nhìn nhận rõ mưu đồ của Trung Quốc thì chúng ta sẽ phải trả giá rất lớn; không đối phó kịp thì sẽ bị mất chủ quyền. Nó đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược tổng thể", PGS.TS.LS Nguyễn Bá Diến cho biết.