Trao đổi với Kiến Thức về mức án tòa tuyên 30 năm tù với Nguyễn Đức Kiên, Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật cho rằng, nếu HĐXX kết luận là bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm vào các tội trên và gây thiệt hại lớn như vậy, thì hình phạt 30 năm tù là quá nhẹ đối với bị cáo Kiên. Bởi lẽ, theo cáo trạng thì hành vi của bị cáo Kiên phạm vào tội lừa đảo theo điều 139 BLHS và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vậy thì bị cáo Kiên có thể đối mặt với mức án chung thân rồi, đằng này chỉ có 30 năm tù là quá nhẹ.
|
Nguyễn Đức Kiên bị tuyên án 30 năm tù giam. |
Luật sư Hoàng Cao Sang cũng nhìn nhận: “HĐXX cho rằng, trong cả 4 tội danh, bị cáo Kiên là người chủ mưu nhưng không thành khẩn, do vậy phải có bản án nghiêm khắc đối với bị cáo. Tuy nhiên, tôi cho rằng, bản án 30 năm tù đối với 4 tội danh và hành vi vi phạm như cáo trạng nêu thì bản án này đâu phải là bản án nghiêm khắc”.
Nói về việc gia đình Nguyễn Đức Kiên cho rằng gia đình và bản thân Nguyễn Đức Kiên sẽ kháng cáo theo trình tự phúc thẩm, luật sư Sang đánh giá, kháng cáo lên tòa án cấp trên để xét xử phúc thẩm đó là cơ hội cho các bị cáo khi cho rằng, mình bị oan sai hay mức án quá nặng nói chung và bị cáo Kiên nói riêng.
“Lên phiên tòa phúc thẩm bị cáo Kiên có cơ hội trình bày, có cơ hội để tòa án cấp trên xem xét bản án của cấp dưới có khách quan hay không? Có đúng người đúng tội hay không? Nếu bị cáo Kiên cho rằng mình không phạm tội mà không kháng cáo để tòa án cấp trên xem xét thì bị cáo Kiên mất cơ hội chứng minh mình vô tội”, Luật sư Sang cho biết.
Trong một diễn biến khác, trao đổi với Kiến Thức sau khi tòa tuyên án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) 30 năm tù, ông Nguyễn Đức Cương, em trai đại gia này cho biết, gia đình sẽ kháng cáo. “Chắc chắn gia đình tôi và tôi tin rằng anh trai tôi Nguyễn Đức Kiên sẽ kháng cáo theo trình tự phúc thẩm”, ông Nguyễn Đức Cương cho biết.
Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội đã tuyên án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các đồng phạm trong vụ án kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 20 tháng về tội kinh doanh trái phép; 6 năm 6 tháng tù tội trốn thuế, truy thu 24 tỉ đồng; 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Tổng phạt hình phạt: 30 năm tù. Phạt số tiền trốn thuế là hơn 75 tỉ đồng để xung quỹ Nhà nước; 100 triệu đồng về hành vi trốn thuế. HĐXX cho rằng, trong cả 4 tội danh, bị cáo Kiên là người chủ mưu nhưng không thành khẩn, do vậy HĐXX cho rằng phải có bản án nghiêm khắc đối với bị cáo, cần thiết phải cách ly bị cáo trong một thời gian dài.
Liên quan đến vụ bầu Kiên, Hội đồng xét xử công bố 2 quyết định khởi tố vụ án hình sự ngay tại tòa. Cụ thể, HĐXX xét thấy có dấu hiệu kinh doanh trái phép tại Ngân hàng ACB và Ngân hàng Vietbank nên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Kinh doanh trái phép và khởi tố Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ của Ngân hàng ACB) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nói về việc này, luật sư Sang cho rằng, nếu HĐXX nhận thấy có căn cứ của dấu hiệu tội phạm thì HĐXX khởi tố vụ án để điều tra. Đây chỉ là bước đầu đề xác định hành vi phạm tội.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu HĐXX nhận định có dấu hiệu kinh doanh trái phép tại Ngân hàng ACB và Ngân hàng Vietbank và Huỳnh Thị Bảo Ngọc là đồng phạm với vai trò giúp sức cho bị cáo Kiên thì HĐXX cần trả hồ để điều tra làm rõ mức độ và vai trò của những người này như thế nào để có đánh giá về vụ án một các toàn diện, chứ không nên khởi tố riêng một vụ án khác”, Luật sư Sang nhìn nhận.