Với câu hỏi của đại biểu Trương Trọng nghĩa (TP.HCM) về chiến lược phát triển của Việt Nam nói chung và chiến lược tài chính của Việt Nam nói riêng, từ bây giờ trở đi không thể không tính đến yếu tố Trung Quốc. Vậy, bằng thông tin và số liệu, mức độ phụ thuộc và lệ thuộc nếu có về tài chính của Việt Nam đối với Trung Quốc, cụ thể là: Nợ công mà chủ nợ là nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, nguồn vốn, vốn ODA từ Trung Quốc và các dự án có liên quan, hiệu quả chất lượng của các dự án này. Vốn của các doanh nghiệp tư nhân hoặc nhà nước Trung Quốc trong các công ty cổ phần hóa của Việt Nam, nếu có. Tình hình các doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm và chi phối nền kinh tế Việt Nam, thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động mua bán công ty. Các chính sách biện pháp của Chính phủ nói chung và Bộ tài chính nói riêng để khắc phục tình trạng và nguy cơ lệ thuộc vào tài chính đối với Trung Quốc...
|
Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng. |
Trả lời những câu hỏi trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Mức độ vốn Việt Nam vay từ Trung Quốc không nhiều.
Về mức chứng khoán, thì đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam chỉ có 0,33%, so với quy mô thị trường chúng ta thì mức đầu tư của Trung Quốc là không lớn. Còn về mức đầu tư dài hạn thì có hai nhà đầu tư đầu tư vào một số công ty của Việt Nam, như: Công ty cà phê Đồng Nai, các nhà đầu tư nhỏ thì không đáng kể. Tuy nhiên, đây là việc đầu tư dài hạn, không lo ảnh hưởng lớn.
Còn tổng số nợ vay của Trung Quốc, ODA, đại biểu Trương Trọng nghĩa hỏi vào những con số cụ thể, cũng ít nhiều có tính nhạy cảm. Bộ Tài chính cũng đã có chuẩn bị đầy đủ nhưng xin phép Quốc hội không báo cáo ở đây. "Bộ tài chính xin trao đổi riêng với đại biểu Nghĩa", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời.
Ở phần kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Kết luận của Bộ trưởng Tài chính là chúng ta hợp tác, làm ăn theo pháp luật với Trung Quốc. Nếu thua thì hai bên cùng thua. Còn vay mượn của ta với Trung Quốc không lớn nên chưa đến mức độ phụ thuộc gì lớn”.