Sự tiến bộ nhanh chóng của chương trình tên lửa của Triều Tiên đang khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa đạn đạo nhằm phát triển tkhả năng tấn công nước Mỹ. Tuy nhiên, một vấn đề đang bị bỏ sót là các vệ tinh dùng để dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu.
Bình Nhưỡng không có mạng lưới chuyển hướng bằng vệ tinh, điều đó làm dấy lên mối nghi ngờ Triều Tiên có thể sử dụng hệ thống định vị vệ tinh của Trung Quốc để dẫn đường cho tên lửa.
Theo báo cáo của Northkoreatech.org, một trang web tìm hiểu về công nghệ Triều Tiên, trong năm 2014, các kỹ sư Triều Tiên được đào tạo về công nghệ và hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc.
Một năm sau đó tờ Vestnik-glonass.ru của Nga dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có thể không ngăn được việc Bình Nhưỡng sử dụng hệ thống Bắc Đẩu trong các hoạt động quân sự.
|
Tên lửa Scud-ER vừa mới được Triều Tiên công khai trong lễ diễu binh vào ngày 15/4. Ảnh: CNN. |
Bên cạnh hệ thống Bắc Đẩu, Bình Nhưỡng có thể sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ hay GLONASS của Nga. Yu Koizumi, nhà nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Tương lai của Nhật Bản nói với Asia Times: “Tôi không loại trừ khả năng Triều Tiên sử dụng hệ thống GLONASS để dẫn đường cho tên lửa nhưng Bắc Đẩu giống như một giải pháp hợp lý hơn”.
Ông Koizumi cho biết thêm, Nga đã áp đặt lệnh cấm vận chuyển giao các vũ khí, công nghệ quân sự cho Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân vào những năm 2000, tuy nhiên, không rõ các thiết bị dùng cho hệ thống GLONASS có nằm trong lệnh cấm hay không.
Quá trình phát triển hệ thống Bắc Đẩu được tiến hành từ năm 1994 nhằm xây dựng hệ thống định vị vệ tinh ở khu vực Đông Á, xa hơn là tương tự GPS của Mỹ. Bắc Đẩu cũng cung cấp dịch vụ dân sự, thương mại và ứng dụng chính xác dành cho quân sự.
Mặc dù chưa có thông tin xác nhận Triều Tiên sử dụng phiên bản quân sự của Bắc Đẩu, có vẽ như Bình Nhưỡng đang dùng phiên bản dân sự để dẫn đường cho tên lửa. Tuy nhiên, phiên bản dân sự dễ bị gây nhiễu. Đây là điều mà Bình Nhưỡng khó chấp nhận nếu xảy ra xung đột.
|
Vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2. Ảnh: NBC News |
Gregory Kulacki, người quản lý chương trình Trung Quốc thuộc Chương trình An ninh Toàn cầu nói: “Triều Tiên cần có các con chip cụ thể, có lẽ là hợp tác với Trung Quốc để sử dụng tín hiệu dẫn đường chính xác không công khai của Trung Quốc”.
Trong cuộc diễu binh ngày 15/4 vừa qua, Bình Nhưỡng đã giới thiệu hệ thống rocket phóng loạt KN-09, tầm bắn 200 km. James Lewis, phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế, có trụ sở tại Washington DC cho biết KN-09 có thể sử dụng tín hiệu Bắc Đẩu hoặc GLONASS để nâng cao độ tin cậy và chính xác.
Lewis mô tả, bản thân KN-09 được sao chép từ hệ thống rocket phóng loạt của Trung Quốc, còn Bắc Kinh sao chép lại hệ thống tương tự của Moscow, nên hệ thống này có thể sử dụng tín hiệu vệ tinh của Nga lẫn Trung Quốc.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng có thể sử dụng hệ thống dẫn đường khác tinh vi hơn như bản đồ địa hình, dẫn hướng quán tính.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn phải dựa vào hệ thống dẫn đường vệ tinh nếu muốn tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á, hoặc lục địa Mỹ. Ông Lewis cho rằng, Washington cần tập trung vào vai trò của Bắc Đẩu trong chương trình tên lửa của Triều Tiên và thảo luận vấn đề này với Bắc Kinh.