Mỹ đã tham gia các cuộc chiến tranh xa bờ biển quê hương, có thể triển khai sức mạnh không quân dồi dào với vũ khí dẫn đường chính xác, binh sĩ được đào tạo bài bản và trang bị kỹ lưỡng hơn. Ngược lại, Nga đã tham chiến gần như tất cả các cuộc chiến dọc theo biên giới của mình, mạnh hơn ở trên bộ so với trên không hoặc trên biển, và trong lịch sử đã triển khai các đội quân theo chế độ nghĩa vụ quân sự lớn dựa vào hỏa lực lớn hơn và sẵn sàng chịu thương vong để áp đảo quân địch.
|
Xe tăng T-90 của lục quân Nga. |
Ở một số khía cạnh, quân đội Nga đã nhanh chóng phát triển theo mô hình phương Tây. Lực lượng mặt đất Nga có tỷ lệ quân nhân chuyên nghiệp cao hơn trước. Các phương tiện bọc thép mới của Nga như xe tăng T-14 Armata và xe chiến đấu bộ binh Kurganets chú trọng nhiều hơn vào khả năng sống sót của tổ lái. Moscow đang thử nghiệm triển khai các nhóm tác chiến cấp lữ đoàn và tiểu đoàn nhỏ hơn và linh hoạt hơn thay vì các sư đoàn lớn trong Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, sự khác biệt rõ ràng vẫn còn. Các kế hoạch chiến tranh của Lầu Năm Góc dựa vào sức mạnh không quân để nhanh chóng kiểm soát vùng trời tranh chấp và tiêu diệt các mục tiêu mặt đất trong khi lực lượng lục quân tiến ra tiền tuyến. Trong khi đó, các lực lượng mặt đất của Nga không thể chiếm ưu thế trên không và do đó đầu tư nhiều hơn vào khả năng phòng không, pháo và tên lửa đạn đạo để bắn tầm xa.
Trong khuôn khổ bài viết này, National Interest xem xét bốn hệ thống tác chiến trên bộ chính của Nga ngày nay minh họa sự khác biệt giữa khả năng quân sự của phương Tây và Nga.
Xe tăng T-72B3 và T-90
Xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga là T-72B3, 1.400 chiếc trong số đó đang hoạt động và 350 chiếc T-90A có nhiều tính năng tương tự nhưng được bọc thép tốt hơn. T-72 không phải là siêu tăng - hàng trăm chiếc đã bị tiêu diệt bởi các xe tăng M1 Abrams và Challenger của phương Tây trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Tuy nhiên, T-72 rẻ hơn nhiều và chỉ nặng khoảng 45 tấn, so với các thiết kế của phương Tây 60 đến 70 tấn. Điều đó có nghĩa là nó có thể đi qua nhiều cây cầu ở châu Âu, trong khi xe tăng của phương Tây không thể vì cầu có thể bị sập.
Những cải tiến đối với súng, ống ngắm nhiệt và đạn của T-72B3 và T-90 giúp chúng có cơ hội xuyên thủng giáp trước của tăng chủ lực phương Tây ở tầm giao tranh ngắn hơn, mặc dù xe tăng phương Tây vẫn được hưởng lợi thế từ các cảm biến và khả năng kiểm soát hỏa lực vượt trội. Trong khi xe tăng T-72 và T-90 có thể không được ưa chuộng trong các cuộc giao tranh một đối một, Nga lại giáp giới với nhiều quốc gia thiếu hụt lực lượng thiết giáp hạng nặng. Xe tăng Nga có thể vượt qua những đối thủ này trước khi NATO có thể chuyển số lượng xe tăng hạng nặng ít hơn tới tiền tuyến.
BM-30 Smerch
Hồng quân có mối tình kéo dài hàng thế kỷ với "Thần chiến tranh", tức là pháo binh hạng nặng. Học thuyết quân sự của Nga nhấn mạnh các vụ nã pháo quy mô lớn, tập trung, tiêu diệt hoàn toàn lực lượng đối phương, trong khi quân đội phương Tây tập trung vào việc cải thiện độ chính xác và thời gian phản ứng để hỗ trợ lực lượng cơ động và giảm thiểu thiệt hại.
Phần lớn pháo binh của Nga bao gồm khoảng 7.000 pháo tự hành 2S1 và 2S3 cũ hơn, 500 hệ thống 2S19 Msta hiện đại hơn và 1.000 hệ thống pháo dàn phản lực BM-21 Grad. Chiến thuật “Chiến tranh thế hệ tiếp theo” của Nga liên quan đến việc sử dụng chiến tranh điện tử và lực lượng đặc biệt nhằm cố định các vị trí của đối phương để tiêu diệt bằng pháo binh. Ví dụ, một cuộc tấn công bằng dàn pháo Grad kéo dài ba phút đã đánh trúng một tiểu đoàn lục quân Ukraine đang di chuyển, gây thương vong hơn một trăm người.
Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander
Nhiều mục tiêu quân sự trọng yếu như sân bay, trung tâm chỉ huy và kho nhiên liệu nằm xa tầm bắn của pháo binh và được bảo vệ tốt trước các cuộc tấn công đường không. Kết quả là, Nga đã đầu tư vào hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật, có thể đe dọa các mục tiêu lên đến 500km.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander mới của Nga nhanh hơn và chính xác hơn nhiều so với tên lửa Scud mà Iraq sử dụng để bắn phá các mục tiêu ở Ả Rập Xê-út, Israel và Iran với hiệu quả chết người trong những năm 1980 và 90. Hơn nữa, chúng được thiết kế để né tránh tên lửa phòng không bằng các thao tác cơ động và các biện pháp đối phó bằng mồi bẫy.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400
Các hệ thống phòng không hiện đại của Mỹ đang ngày càng có xu hướng phòng thủ trước tên lửa đạn đạo, vì lực lượng mặt đất của nước này đã không mất quân trước máy bay có người lái của đối phương kể từ những năm 1950.
Các lực lượng chiến lược và mặt đất của Nga không thể phụ thuộc vào ưu thế trên không, và do đó triển khai một loạt tên lửa đất đối không và tên lửa đánh chặn trong một mạng lưới phòng không tích hợp nhiều lớp có thể chống lại máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tên lửa hành trình và máy bay không người lái ở các phạm vi, tốc độ và độ cao.