Vào hôm qua, Saudi Arabia cho biết 2 tàu chở dầu của nước này đã bị phá hoại gần bờ biển Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Nước này cho rằng cuộc tấn công trên có thể sẽ đe dọa đến an ninh của nguồn cung cấp dầu trên toàn thế giới.
Theo UAE, tổng cộng có 4 tàu chở dầu bị nhắm đến trong những cuộc “tấn công phá hoại” gần cảng chiến lược Fujairah hôm 12/5. Ngoài 2 tàu Saudi Arabia còn có một tàu cắm cờ UAE và một tàu cắm cờ Na Uy - Hội đồng Truyền thông Quốc gia UAE cho biết.
Sự kiện trên diễn ra khi trong những ngày gần đây căng thẳng liên tục gia tăng giữa Iran và Mỹ. Tehran bị cáo buộc đã vận chuyển tên lửa ra biển, trong khi đó biên đội tác chiến tàu sân bay của Mỹ cũng đã áp sát vịnh Persian để sẵn sàng can thiệp.
Mặc dù hiện tại thủ phạm thực hiện vụ phá hoại trên vẫn chưa được xác định nhưng nó lại xảy ra đúng vào thời điểm nhạy cảm khi Iran nhiều lần tuyên bố họ sẽ đóng eo biển Hormuz trong trường hợp xảy ra xung đột, không loại trừ việc tấn công cả các tàu chở dầu đi qua đây.
Chưa chắc vụ phá hoại trên đã là do Iran thực hiện mà nhiều khả năng nó đến từ một quốc gia thù địch với Tehran nhằm hướng sự chú ý tới quốc gia Hồi giáo này sau khi họ liên tục đưa ra những phát ngôn rất cứng rắn.
Nếu trường hợp kết luận cho rằng Iran đứng sau các vụ tấn công thì lúc này tình hình sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng và dễ kéo theo các đồng minh Arab của Mỹ trong khu vực vào cuộc chiến, bởi vì vấn đề này đã mang tầm quốc tế.
Eo biển Hornuz là tuyến đường vận chuyển dầu chiến lược của Saudi Arabia, Qatar, UAE... họ sẽ không bao giờ chịu ngồi yên trước tình thế Iran sẽ chặn cửa ngõ thông thương của các quốc gia này với thế giới bên ngoài.
Khi đó một liên minh quân sự chắc chắn sẽ được thành lập với Hải quân Mỹ là lực lượng dẫn đầu nhằm mục đích mở thông eo biển Hormuz trước sự phong tỏa của Iran. Một trận hải chiến trên biển như thời điểm năm 1988 khi Iran rải thủy lôi ngăn cản giao thông có thể sẽ diễn ra.