Đáng gờm sức mạnh của hạm đội tàu ngầm “made in Iran”

Google News

Iran là một trong những nước sở hữu hạm đội tàu ngầm lớn trên thế giới. Trước đây, Iran dồn hết ngân sách quốc phòng cho lực lượng bộ binh và không quân. Trong vài năm qua, Hải quân Iran đã bắt đầu phát triển các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm.

Bước tiến nhảy vọt
Theo Press TV, tàu ngầm Fateh nặng 600 tấn, dùng động cơ điện-diesel và sở hữu nhiều vũ khí tối tân, bao gồm ngư lôi, thủy lôi, cùng tên lửa hành trình với khả năng phóng từ vị trí lặn. Tàu có thể hoạt động ở độ sâu 200m dưới mực nước biển trong thời gian tối đa 35 ngày. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami đánh giá, đây là sự bổ sung quan trọng cho hạm đội tàu ngầm, bên cạnh tàu hạng nhẹ lớp Ghadir cùng tàu lớp Kilo hạng nặng.
Tại lễ ra mắt tàu ngầm Fateh, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố: “Từ thời khắc này, tàu ngầm Fateh gia nhập lực lượng Hải quân Iran theo lệnh của tôi”. Ông Hassan Rouhani khẳng định, sức mạnh quân sự của Tehran chỉ mang tính tự vệ chứ không được sử dụng cho mục đích tấn công quốc gia khác. Được biết, tàu ngầm mới sẽ được biên chế vào Hải quân Iran sau khi tiến hành kiểm tra các tính năng. Năm ngoái, hải quân Iran cũng đưa vào biên chế hai tàu ngầm mới được thiết kế để hoạt động ở vùng nước nông như vùng Vịnh.
Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Iran là chiếc tàu ngầm lớp Kilo do Liên Xô chế tạo, đã phục vụ trong quân ngũ hơn hai thập kỷ qua. Đóng từ năm 1990, những tàu ngầm Kilo cho phép hải quân Iran kiểm soát phạm vi hơn 5.000km, đặt mìn và gây đe dọa bất kỳ lực lượng nào nhăm nhe xâm lấn bờ biển Iran.
Dang gom suc manh cua ham doi tau ngam “made in Iran”
 Lễ khánh thành tàu ngầm mới được trang bị tên lửa hành trình mang tên Fateh. Ảnh: AFP.
Ngoài 3 tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất, trong biên chế Hải quân Iran còn có hạm đội tàu ngầm nhỏ hơn 1.200 tấn phục vụ cho các hoạt động ở vùng nước nông. Theo AP, Iran bắt đầu sản xuất tàu ngầm lớp Ghadir vào năm 2005 và chiếc đầu tiên hoàn thành vào năm 2007, trước khi nhiều chiếc khác được bàn giao cho hải quân. Ghadir được xem như một một nỗ lực của Iran trong công nghệ tàu ngầm khi nước này bị cấm vận trong suốt thời gian qua. Tàu ngầm Ghadir được thiết kế để hoạt động ở vùng nước nông tại vịnh Ba Tư. Tàu được trang bị hai ống 533mm có thể phóng ngư lôi hoặc đặt mìn. Ngoài ra, tàu ngầm Ghadir có thể sử dụng để triển khai biệt kích. Tàu có chiều dài 29m, lượng giãn nước khoảng 120 tấn, tốc độ tối đa 11 hải lý/giờ. Mỗi tàu có chi phí khoảng 20 triệu USD, cho phép Iran có thể sản xuất với số lượng lớn phục vụ cho chiến thuật phi đối xứng.
Thông điệp truyền tải sức mạnh quân sự
Iran là một trong những nước sở hữu hạm đội tàu ngầm lớn trên thế giới. Trước đây, Iran dồn hết ngân sách quốc phòng cho lực lượng bộ binh và không quân. Trong vài năm qua, Hải quân Iran đã bắt đầu phát triển các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Tàu ngầm của Iran chủ yếu hoạt động ở vùng ven biển và cự ly ngắn quanh vịnh Ba Tư. Trong một báo cáo của mình, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington, D.C (Mỹ) đã giải thích, trong vùng nước hẹp và cạn của Vịnh Arab, khả năng triển khai tàu ngầm có hiệu quả vô cùng cao, đe dọa hủy diệt tất cả tàu mặt nước. Các tàu quân sự và thương mại vào vịnh này đều phải di chuyển theo các tuyến đường có thể dự đoán được, khiến chúng trở thành con mồi dễ dàng cho ngư lôi hay tên lửa chống hạm của tàu ngầm Iran nằm phục sẵn ở các điểm hiểm yếu dưới đáy vịnh Ba Tư.
Theo Đài Al Jazeera, việc Iran công bố tàu ngầm nội địa Fateh giữa lúc căng thẳng với Mỹ đang dâng cao trùng thời điểm nước này kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo là bước thể hiện sức mạnh quân sự của mình. “Chắc chắn có những thông điệp muốn chuyển tới thủ đô Washington”, nhà báo Bizar nói với Al Jazeera. Theo ông Bizar, thông qua sự kiện trên, Tehran muốn Washington biết tàu Fateh sẽ là “một nhân tố ngăn chặn” mà Iran dùng để đối phó các tàu chiến Mỹ ở khu vực.
Theo BÌNH NGUYÊN/QDND

>> xem thêm

Bình luận(0)