Công nghệ thông tin thay đổi bản chất xung đột
Khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, hầu như tất cả các nhà phân tích đều dự đoán rằng, Quân đội Nga sẽ nhanh chóng áp đảo Quân đội Ukraine.
Người ta tin rằng, ưu thế vượt trội về xe tăng, trực thăng tấn công và pháo binh của Nga, sẽ đè bẹp bất kỳ sự kháng cự nào của người Ukraine trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên đến ngày hôm nay, sau hơn 5 tháng, thực tế là một điều hoàn toàn khác.
Một trong những yếu tố có thể giải thích tình hình ở Ukraine là công nghệ quân sự, vốn đang trải qua sự thay đổi lớn nhất trong gần 100 năm qua.
Năm 2014, Lầu Năm Góc công bố "Chiến lược Bù đắp" lần thứ ba, nhằm cách mạng hóa các cuộc xung đột vũ trang bằng cách khai thác thông tin và công nghệ điện tử mới. Điều này đã sinh ra học thuyết và khái niệm về "xung đột đa miền".
Đó là một hành trình dài để đến được thời điểm này, nhưng chúng ta đang chứng kiến những bước nhảy vọt về chất đang diễn ra.
Để lý giải về điều này, hãy tưởng tượng một mô hình xung đột mà những quốc gia tham chiến phải tiêu diệt ít nhất 200 mục tiêu của đối phương để giành chiến thắng.
Trong thời đại công nghiệp, do độ chính xác thấp (khoảng 1% cơ hội hoả lực có thể dẫn đến thương vong cho đối phương) bên nào có nhiều vũ khí và đạn hơn, bên đó sẽ giành chiến thắng.
Tuy nhiên, trong thời đại có độ chính xác cao, một bên có nền tảng vũ khí tiên tiến, có thể đánh bại các đội quân cơ giới hóa truyền thống, với số lượng vũ khí và tỷ lệ tiêu diệt cao hơn nhiều.
Thời đại của độ chính xác cao cũng là thời đại của thông tin. Giá trị của thông tin bằng giá trị của phương tiện sử dụng thông tin. Vì vậy, phải có mạng viễn thông tốt, để phân phối thông tin đến từng người lính.
Theo quan điểm của Viện nghiên cứu Chiến tranh Mỹ, cạnh tranh về sức mạnh quân sự không còn là việc "khoe cơ bắp" với pháo to, súng lớn; mà ưu thế thuộc về độ chính xác, ưu thế thông tin và khả năng tác chiến mạng.
Trong cuộc xung đột tại Ukraine, sự vượt trội về sức mạnh của Quân đội Nga trong các nền tảng chiến đấu cơ giới hóa, đã không dẫn đến lợi thế quyết định; điều này sẽ không có gì ngạc nhiên khi phân tích các kịch bản sau.
Chi phí để mua một phiên bản hiện đại hóa của xe tăng chiến đấu chủ lực (chẳng hạn như xe tăng chiến đấu chủ lực M1 "Abrams" của Mỹ) là khoảng 10 triệu USD. Một tên lửa chống tăng Javelin có giá khoảng 78.000 USD, trong khi mỗi bệ phóng có giá khoảng 100.000 USD.
Để chiến đấu với một tiểu đoàn xe tăng Nga (41 xe tăng), các đội cơ động diệt tăng được trang bị 5 bệ phóng và 120 tên lửa chống tăng Javelin, có sức mạnh lớn hơn nhiều so với một xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams.
Thậm chí những vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo (NLAW) của Anh còn rẻ hơn Javelin, nên có thể được trang bị nhiều hơn.
Kết quả là, hàng nghìn tên lửa Javelin, NLAW và các loại vũ khí chống tăng tương tự đã được cung cấp cho Ukraine; nó rẻ hơn nhiều so với việc cung cấp và sử dụng xe tăng với số lượng lớn. Những vũ khí chống tăng này, đủ sức ngăn cản bước tiến của hàng nghìn xe bọc thép Nga.
Mô hình quân sự mới không chỉ giới hạn ở vũ khí chống tăng. Ví dụ, một quả lựu pháo 155mm thông thường, với bộ dẫn đường chính xác (PGK) với bán kính sai số từ 5 đến 10 mét, chỉ có giá 10.000 USD và có tầm bắn vài chục km.
Một đại đội pháo binh gồm 6 khẩu pháo, được hỗ trợ bởi một số lượng lớn máy bay không người lái trang bị hệ thống dẫn đường cho đạn pháo, mỗi khẩu bắn ba phát mỗi phút, có thể tiêu diệt hàng chục xe tăng và xe bọc thép trong vòng vài phút.
Với những loại pháo không có PGK với tầm bắn chỉ khoảng 20 km, có bán kính sai số từ 100 đến 200 mét, cần nhiều đạn pháo hơn, chỉ để tiêu diệt một chiếc xe tăng.
Xu hướng công nghệ này đã lan rộng đến nhiều nền tảng vũ khí khác nhau. Ví dụ, ngành công nghiệp quốc phòng hiện có thể cung cấp các phương tiện robot chiến đấu mặt đất rất đơn giản, được trang bị tên lửa dẫn đường, biến chúng thành phương tiện chiến đấu rất hiệu quả.
Tờ Bloomberg cho rằng, với chi phí này, tỷ lệ thương vong thấp hơn và hiệu quả chiến đấu cao hơn nhiều, so với việc mua một dàn vũ khí truyền thống lớn.
Mạng lưới chiến đấu phân tán lớn
Bây giờ có nhiều loại đạn thông minh hơn, chúng rẻ hơn, được trang bị nhiều cảm biến hơn và mọi thứ đều có thể kết nối thành một mạng duy nhất. Điều này có nghĩa là một sự thay đổi cơ bản, không chỉ là sự cải tiến gia tăng của vũ khí chống tăng.
Vì vậy, một trong hai chìa khóa của "xung đột đa miền" chính là các nhóm chiến đấu, được trang bị các cảm biến, được tích hợp và đan xen trong một mạng lưới chiến đấu phân tán rộng lớn, giúp tổng hợp thông tin về các mục tiêu của đối phương và sau đó gửi thông tin đến vũ khí có khả năng nhất tiêu diệt.
Chìa khóa thứ hai của kiểu xung đột này, chính là chia nhỏ nền tảng lớn của chiến tranh truyền thống thành các đơn nguyên nhỏ hơn. Điều này có nghĩa là bên tiến công sẽ có nhiều hỏa lực hơn, xác suất phát hiện và tiêu diệt cao hơn.
Xu hướng công nghệ chia nhỏ một nền tảng lớn và phức tạp thành nhiều nền tảng nhỏ và đơn giản hơn, không chỉ xuất hiện trong các cuộc đấu xe tăng mà còn ở máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu ngầm và thậm chí cả tàu nổi.
Ưu điểm của việc chia nhỏ đơn nguyên chính là độ chính xác của đòn tấn công cao hơn khi tận dụng nhiều cảm biến và hỏa lực hơn.
Tóm lại, "xung đột đa miền" là cuộc cách mạng về tính chính xác và tính ưu việt của thông tin, dựa trên kết nối của nền tảng mạng thống nhất.
Tính độc đáo của nó nằm ở việc áp dụng công nghệ hiện đại, để chia nhỏ các nền tảng truyền thống thành nhiều nền tảng vũ khí không cần con người tham gia trực tiếp như UAV, robot…, do đó đạt được số lượng áp đảo và lợi thế về hỏa lực, đồng thời có khả năng sát thương cao hơn và tốn ít nhân lực hơn.