UAV tự sát, lĩnh vực "mới mẻ" của Nga
Máy bay không người lái Lancet lần đầu tiên được trưng bày cách đây chưa đầy ba năm tại triển lãm của Diễn đàn Quân sự-Kỹ thuật Quốc tế "Army-2019". Thực tế này đã cho thấy, các tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga cuối cùng đã thể hiện sự quan tâm của họ, đối với việc phát triển các vũ khí công nghệ cao, nhằm lấp đầy khoảng trống của Quân đội Nga hiện nay.
Khá phù hợp khi so sánh đạn UAV Lancet với đạn pháo, đây là vũ khí sử dụng một lần và khi đã phóng đi, nếu không tìm được mục tiêu, trắc thủ điều khiển sẽ cho tự hủy, chứ không thể thu hồi.
Tờ Topwar của Nga cho biết, UAV Lancet được phóng đi bằng máy phóng, sau đó UAV sẽ tuần tra trên khu vực chiến đấu để tìm kiếm mục tiêu. Sau khi người điều khiển xác định được mục tiêu, một cuộc tấn công sẽ xảy ra; nếu không thì hệ thống tự hủy sẽ được kích hoạt.
Phiên bản mới của UAV Lancet được phân biệt bởi đầu đạn tăng lên 5 kg (ở phiên bản cơ bản, khối lượng của đầu đạn là 3 kg, tương đương với một quả đạn pháo cỡ trung bình) và thời gian bay dài hơn (lên đến 60 phút).
Các hệ thống phòng không truyền thống, rất khó khăn trong việc phát hiện UAV Lancet, vì thiết kế của nó sử dụng vật liệu không phản xạ tín hiệu vô tuyến. Điều quan trọng là chi phí chế tạo và sử dụng UAV Lancet rất hấp dẫn, thấp hơn đáng kể so với tên lửa dẫn đường chính xác.
Quân đội Nga trong một thời gian dài đã bỏ qua hướng đi này, trong việc phát triển UAV, nên UAV tự sát của Nga thua kém đáng kể so với khả năng của pháo binh. Lý do những người phản đối UAV tự sát, là khả năng sử dụng một lần trong chiến đấu của chúng, điều này giống như một sự lãng phí phi lý.
Tuy nhiên, thành công của Israel, quốc gia tiên phong trong lĩnh vực phát triển UAV tự sát, đã buộc lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga và tổ hợp công nghiệp-quân sự trong nước phải xem xét lại thái độ đối với việc phát triển các UAV tự sát; và cách tiếp cận này đã hoàn toàn chính xác.
Việc thử nghiệm UAV Lancet trong chiến đấu tại chiến trường Syria và hiệu quả mà nó mang lại, đã tạo động lực đầu tiên cho việc hình thành quan điểm không thiên vị trong quân đội về UAV tự sát. Trên cơ sở đó, các kết luận đã được rút ra về sự cần thiết phải tiếp tục theo theo hướng này.
Hiện nay UAV tự sát đang được sử dụng tại một số quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước NATO và có thể thẳng thắn thừa nhận, trong lĩnh vực UAV nói chung và UAV tự sát nói riêng, Nga đã đi sau một số đối thủ trong nhiều năm.
UAV tự sát như một vũ khí chính xác, có giá cả phải chăng để thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao, chống lại cả mục tiêu cố định và mục tiêu di động.
Gia đình UAV Lancet gồm những phiên bản nào?
Cho đến nay, đội hình của gia đình UAV Lancet được phát triển một số phiên bản bao gồm:
"Lancet-1", được trang bị hệ thống dẫn đường quang điện tử; với sự trợ giúp của kênh liên lạc truyền hình có sẵn cho UAV, giúp truyền hình ảnh của mục tiêu đến bảng điều khiển của trắc thủ, để xác nhận tiêu diệt mục tiêu.
Tầm hoạt động của UAV Lancet-1 đạt 40 km, thời gian bay ở tốc độ 80-110 km/h không quá 30 phút. Có thể mang trọng tải lên đến 1 kg, trong khi tổng trọng lượng của Lancet-1 là 5 kg; UAV Lancet-1 sử dụng ngòi chạm nổ cận đích.
Phiên bản Lancet-3, được dùng làm nền tảng để tạo ra phiên bản nâng cao, trọng tải đã tăng lên 3 kg và trọng lượng cất cánh của nó tăng lên 12 kg.
Đáng chú ý là ở chế độ bổ nhào, Lancet có khả năng tăng tốc độ lên 300 km/h, điều này cho phép tiêu diệt hiệu quả không chỉ sinh lực và phương tiện bọc thép hạng nhẹ của đối phương, mà còn tiêu diệt các trận địa pháo và súng cối cũng như các hỏa điểm.
Với sự trợ giúp của UAV Lancet, có thể đối phó thành công với UAV của đối phương, khi Quân đội Nga sử dụng một phương pháp gọi là "đánh chặn trên không".
Thuật ngữ "đánh chặn trên không", được giới thiệu bởi các nhà thiết kế Nga và xác định một chiến thuật cơ bản mới, để sử dụng UAV tự sát, khi trong không phận nhất định, tung các UAV Lancet tạo thành rào cản không thể vượt qua, nhất là khi ngăn cản các UAV tấn công hạng nặng của đối phương.
Với thiết kế cánh hình chữ thập kép của Lancet (hoặc sự kết hợp của cánh nâng chữ X và cánh đuôi hình chữ X trong phiên bản nâng cấp), đảm bảo duy trì chỉ số lực nâng cần thiết trong khi giảm kích thước tổng thể.
Việc áp dụng các giải pháp thiết kế trên, đã đảm bảo cho UAV Lancet có sự kết hợp tối ưu giữa tốc độ bay cao với khả năng điều khiển tuyệt vời.
Chính thiết kế khí động học của UAV Lancet, cũng được sử dụng để tạo ra UAV của công ty UVision của Israel, điều này đã khiến một số chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, Nga đã vay mượn một ý tưởng kỹ thuật của Israel.
Hơn nữa, loại UAV tự sát của nhà sản xuất Israel có các đặc điểm tương tự như Lancet về đặc điểm trọng lượng và kích thước. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự "trùng hợp ngẫu nhiên".
Phần mũi của UAV Lancet được trang bị hệ thống quang điện tử, cung cấp khả năng quan sát và dẫn đường cho UAV Lancet tới mục tiêu. Một động cơ điện có độ ồn thấp được lắp ở phần đuôi của UAV Lancet.
Ngòi nổ của UAV Lancet thưo kiểu tiếp xúc trực tiếp, được lắp phía trước; Lancet được trang bị đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao, khi chạm mục tiêu, ngòi nổ kích nổ đầu đạn, đảm bảo phá hủy khu vực lớn nhất bởi các mảnh vỡ và sóng nổ.
Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, UAV Lancet được sử dụng khá thành công để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ lẻ, nằm sâu phía sau chiến tuyến của Quân đội Ukraine; nhất là binh lực trong các công sự không có nắp, trong các tòa nhà dân cư hoặc khu rừng thưa.
Việc sử dụng các biến thể khác nhau của UAV Lancet (như đầu đạn nổ phá, văng mảnh hoặc nhiệt áp), khó có cơ hội sống sót cho cả sinh lực và phương tiện bọc thép của Quân đội Ukraine.
Bên cạnh những điểm mạnh, UAV Lancet cũng có những điểm yếu đó là thời gian hoạt động trên không tương đối ngắn, tốc độ bay thấp và việc sử dụng hệ thống định vị vệ tinh, khiến UAV Lancet dễ bị tác chiến điện tử chế áp.
Để khắc phục điểm yếu của UAV Lancet, điều này đòi hỏi Quân đội Nga phải đưa vào chiến trường các UAV trinh sát tầm cao, thời gian hoạt động liên tục trong thời gian dài, kịp thời cung cấp tin tức tình báo về hoạt động của đối phương trên chiến trường, để UAV Lancet tiêu diệt mục tiêu kịp thời.
Từ những thành công trên chiến trường Syria tới Ukraine, rõ ràng các UAV tự sát sẽ có chỗ đứng vững chắc trong biên chế chiến đấu của Quân đội Nga trong hiện tại và tương lai.