Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, quân đội các bên đều tung vào chiến trường những vũ khí mạnh nhất cùng với đó là những chiến thuật chiến đấu hết sức đa dạng và phong phú. Nhiều lực lượng chiến tranh hiện đại đã ra đời từ đó, trực tiếp được chứng minh qua thực tiễn cuộc chiến và còn được sử dụng đến tận ngày nay, trong đó có lực lượng bắn tỉa.
|
Lính bắn tỉa Liên Xô |
Trước hết là Liên Xô, lính bắn tỉa của Hồng quân thường đi theo cặp. Mỗi người có một khẩu Mosin Nagant/SVT-40 lắp ống ngắm để tác chiến và một khẩu tiểu liên PPSh để phòng thân. Khi tấn công cũng như khi phòng thủ, lính bắn tỉa Liên Xô lúc nào cũng đi trước đội hình của mình. Họ sẽ tìm một vị trí thích hợp để bắn rồi nằm ở đó cả ngày quan sát đợi thời cơ tấn công, ưu tiên tiêu diệt sĩ quan và các tổ súng máy. Để chắc chắn hạ được đối phương, cả 2 thành viên đều phải ngắm cùng một người. Như vậy, nếu người đầu bắn trượt thì người còn lại sẽ bắn chỉnh được ngay.
|
Lính bắn tỉa Đức Quốc xã |
Về phía quân đội Đức, mỗi đại đội thường biên chế 2 lính bắn tỉa, riêng lính dù thì mỗi tiểu đội sẽ có 1 lính bắn tỉa. Họ đi theo cặp nhưng một người bắn, người còn lại quan sát. Họ có thể chọn súng bắn tỉa mình ưa thích nhất (Kar98, G43) và kính ngắm mình quen dùng nhất. Khi tấn công, họ sẽ đi cuối cùng đội hình và yểm trợ cho đồng đội. Khi phòng thủ, họ thường sẽ cắm ở hai bên mạn sườn đợi thời cơ khai hoả, ưu tiên tiêu diệt bắn tỉa, sĩ quan và chính ủy địch. Trong trường hợp bảo vệ quân mình rút lui, tổ bắn tỉa sẽ cơ động hơn. Cứ hạ vài người thì thay đổi vị trí và hết thời gian hẹn thì lui về tập kết.
|
Lính bắn tỉa Mỹ |
Quân đội Mĩ không có lính bắn tỉa được đào tạo chuyên nghiệp, chỉ có xạ thủ. Họ là người có thành tích bắn tốt nhất đại đội và được chọn để hạ các mục tiêu ở xa. Không phải xạ thủ nào cũng có Springfield lắp ống ngắm mà thay vào đó là khẩu M1 Garand và thường là không có kính ngắm. Trong chiến đấu, xạ thủ tác chiến với đại đội như bình thường. Khi có mục tiêu khó diệt như súng máy, bắn tỉa đối phương, người khác sẽ yểm trợ hoặc tạo điều kiện cho xạ thủ tiêu diệt mục tiêu.
|
Lính bắn tỉa Anh |
Phía quân đội Anh, lính bắn tỉa của họ sẽ hành động tùy theo nhiệm vụ mà mình được giao phó. Nếu là đánh nhau bình thường, họ sẽ đi theo cặp và tự chọn mục tiêu bắn mà theo mình là quan trọng nhất. Nếu là nhiệm vụ phá hoại, lính bắn tỉa Anh đi một mình và chỉ bắn đúng mục tiêu được chỉ định rồi rút về điểm hẹn. Nhờ thiết kế của súng trường Lee Enfield, lính Anh có thể bắn khá nhanh và chính xác trong khi vẫn ẩn mình khỏi tầm mắt của địch.
|
Lính bắn tỉa Nhật Bản |
Nếu như lính bắn tỉa nước khác bắn quân địch từ xa thì lính bắn tỉa Nhật lại đợi quân địch đến gần hoặc đi qua mình rồi thì mới khai hỏa. Họ sẽ trốn trên cây hoặc hố cá nhân ngụy trang dưới lòng đất, chờ cho tới khi quân y, lính cầm súng phun lửa xuất hiện rồi khai hỏa. Có nhiều trường hợp lính Nhật sẽ để cho một người bị thương kêu gào và sau đó thì bắn hạ bất cứ ai đến cứu anh ta. Nhiều lính bắn tỉa Nhật bắn hết đạn mà chưa bị phát hiện, họ sẽ chờ tới đêm và dùng lưỡi lê hoặc lựu đạn tấn công tự sát.
|
Lính bắn tỉa Pháp |
Trong quân đội Pháp, cứ một một trung đội thì có một lính bắn tỉa. Trên lí thuyết, họ sẽ được triển khai tại các công sự thiết kế riêng để bắn tỉa. Tiếc thay, họ không có cơ hội được làm vậy và hầu hết thời gian bị bỏ lại một mình để chặn đà tiến công của quân Đức. Cách này lại hóa ra tương đối hiệu quả và lính bắn tỉa Pháp đã góp phần rất lớn trong việc giúp quân Anh di tản thành công quân mình khỏi Dunkirk.
|
Lính bắn tỉa Italia |
Cuối cùng là quân đội Italia, họ không sản xuất ra nhiều súng trường có lắp ống ngắm và vì thế lính bắn tỉa nước này tuy có biên chế nhưng gần như không tồn tại trong chiến tranh và không có thành tích đáng kể nào.