Bộ Tư lệnh chiến dịch (mật danh: T15) đã được thành lập trên cơ sở Bộ Tư lệnh tiền phương Hải quân tại TP.Hồ Chí Minh. Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm: Đại tá Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Hải quân chỉ huy chiến dịch; Đại tá Võ Huy Phúc, Phó Chính ủy Hải quân làm Chính ủy chiến dịch; thủ trưởng cơ quan tham mưu; cơ quan chính trị; đại diện cơ quan hậu cần, kỹ thuật Quân chủng cùng phái viên của Bộ và đại diện Sư đoàn 372 Không quân.
Phương pháp tác chiến chiến dịch là tạo lập thế trận chắc, đánh có chuẩn bị chu đáo, nhanh chóng đánh chiếm bãi đổ bộ, giữ chắc bãi đổ bộ, đưa các phương tiện, lực lượng chiến đấu lên bờ. Vận dụng linh hoạt các hình thức, thủ đoạn tác chiến; chớp thời cơ tiến công đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, truy quét tiêu diệt địch cả ở trên bờ, dưới biển, trong sông. Phối hợp các lực lượng hải quân (Lữ đoàn 126 (nay là Lữ đoàn 101), Hạm đội 171, Vùng 5, Lữ đoàn 125) cùng với bộ binh của Sư đoàn 325/Quân đoàn 2, lực lượng không quân, đánh chiếm cảng Côngpôngxom, thị xã Côngpôngxom và quân cảng Ream.
|
Trong ảnh, tàu HQ 403, thuộc Hạm đội 171 vận chuyển xe thiết giáp lội nước BTR-50P của Quân đoàn 3 làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam năm 1979. Nguồn ảnh: Tư liệu. |
Hướng, khu vực, mục tiêu tiến công, tổ chức và sử dụng lực lượng: Bí mật đổ bộ đường biển (ĐBĐB) ở bãi biển Tà Lơn, đánh chiếm khu vực bờ biển địch phòng thủ, thiết lập và giữ chắc đầu cầu. Hải quân đánh bộ (HQĐB) sử dụng xe tăng, thiết giáp và xe tải chở quân phát triển tiến công trên bộ, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu trên đường số 3, số 4; phối hợp cùng Sư đoàn 325 giải phóng Côngpôngxom, quân cảng Ream.
Phối hợp các lực lượng Hải quân (Lữ đoàn 126, Hạm đội 171, Vùng 5, Lữ đoàn 125) với lực lượng của Quân đoàn 2 và không quân, tiến công cảng Côngpôngxom, quân cảng Ream và thành phố Côngpôngxom. Tiêu diệt lực lượng Hải quân địch, ngăn chặn không cho tàu thuyền của chúng từ cảng Ream, cảng Côngpôngxom chạy ra biển. Sau khi giải phóng Côngpôngxom và quân cảng Ream, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển chiến đấu tiếp theo.
Chiến dịch sử dụng 7 tiểu đoàn của Lữ đoàn 126 gồm 4 tiểu đoàn HQĐB, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn hỏa lực, 1 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp (30 chiếc) và 60 tàu thuyền các loại (chủ yếu là của Lữ đoàn 125) chở quân đổ bộ và phương tiện chiến đấu lên bãi biển Tà Lơn. Tàu của Hạm đội 171, tàu của Vùng 5 bảo vệ trực tiếp đội hình đổ bộ của Lữ đoàn 126. 2 tiểu đoàn pháo tầm xa của Vùng 5 trực tiếp chi viện hỏa lực cho đội hình đổ bộ. Vùng 5 sẵn sàng 1 tiểu đoàn bộ binh đổ bộ lên phía Đông cảng Ream.
Căn cứ nhiệm vụ được giao, SCH tiền phương của Quân chủng đã chủ động ra mệnh lệnh sơ bộ cho các cơ quan, đơn vị từ khoảng giữa tháng 12-1978 để các cơ quan, đơn vị có cơ sở làm công tác chuẩn bị trước.
Ngày 25-12-1978, Đảng ủy Quân chủng thông qua quyết tâm chiến dịch. Tiếp sau đó, quyết tâm chiến dịch (T15) được cấp trên thông qua.
Thời gian thực hành chiến dịch bắt đầu từ ngày 6-1-1979. Ta đã sử dụng một bộ phận của Tiểu đoàn Đặc công 861 bí mật ém trước ở khu vực bãi đổ bộ Tà Lơn, một số trận địa pháo ở ngã ba Coconut, bắc cao điểm 144, đông bãi đổ bộ Tà Lơn và các cầu số 6, số 8 trên Quốc lộ 3, khu vực ngã ba Vêan Rênh tạo điều kiện cho chủ lực đánh chiếm bãi đổ bộ và phát triển chiến đấu thuận lợi. Đặc công Hải quân cũng chốt giữ các mục tiêu quan trọng trên trục đường tiến công của Lữ đoàn; đánh tàu địch neo đậu tại khu vực cảng Côngpôngxom.
Lực lượng còn lại của Lữ đoàn 126 đánh chiếm bãi đổ bộ (khu vực chân núi Tà Lơn) từ phía Tây Cót Mít đến đầu cầu số 9. Nhanh chóng phát triển lên quốc lộ 3, từ đó phát triển theo hướng Tây đánh chiếm ngã ba Quốc lộ 3 và 4. Đánh chiếm cảng Côngpôngxom và thành phố Xihanucvin; giải phóng nhân dân hai bên đường Quốc lộ 3 và 4 từ Chân Na đến cầu số 8 thuộc cảng Côngpôngxom.
Hạm đội 171 có nhiệm vụ tổ chức 2 mũi tiến công, hiệp đồng chặt chẽ với Không quân và Pháo binh trên đảo Phú Quốc, tổ chức các trận đánh trên biển ở khu vực phía Nam quân cảng Ream và bảo vệ sườn trái đội hình đổ bộ của Lữ đoàn 126.
Vùng 5 điều động 10 tàu vận tải đổ bộ LCM8 và 1 tàu LCU phối thuộc cho Lữ đoàn 126 chở lực lượng đổ bộ chiến đấu. Vận động 10 thuyền vận tải của ngư dân Phú Quốc tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Được tăng cường một số lực lượng phương tiện của Quân chủng. Quá trình chiến đấu được Hạm đội 171 và Không quân chi viện. Vùng 5 có nhiệm vụ:
Sử dụng Lữ đoàn 101 tham gia đổ bộ lên bãi Tà Lơn. Sử dụng Tiểu đoàn 8 hiệp đồng với Lữ đoàn 126 chiến đấu chiếm giữ ngã ba Ream. Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn 8 và Đại đội 5/Tiểu đoàn 4 trực tiếp đánh chiếm cảng Ream. Sẵn sàng tổ chức Tiểu đoàn 1 và 1 đại đội của Tiểu đoàn 4, cùng với các biên đội tàu chiến đấu, tàu vận tải của Hải đoàn 127 hiệp đồng với Hạm đội 171 đổ bộ đánh chiếm cảng Ream và cảng Côngpôngxom. Hai Tiểu đoàn Pháo binh 21 và 22 bắn chi viện cho các đơn vị đánh chiếm mục tiêu.
Sử dụng 4 biên đội tàu của Hải đoàn 127 chi viện hoả lực và bảo vệ sườn phải đội hình của Lữ đoàn 126 đổ bộ lên Tà Lơn. Sau khi Lữ đoàn 126 đổ bộ xong, Vùng 5 sử dụng 1 tiểu đoàn bộ binh đổ bộ tiếp, bảo vệ khu vực đầu cầu thay cho Lữ đoàn 126. Sử dụng 1 tiểu đoàn đổ bộ lên phía Nam cảng Ream, tiến công đánh chiếm Ream. Sử dụng hỏa lực bắn phá các mục tiêu trên bờ, dưới biển chi viện theo yêu cầu của các đơn vị chiến đấu.
Lữ đoàn 126 hiệp đồng với Vùng 5 sử dụng các biên đội tàu bảo vệ sườn phải đội hình đổ bộ của Lữ đoàn; hiệp đồng với Hạm đội 171 sử dụng các biên đội tàu bảo vệ và nghi binh ở sườn trái đội hình đổ bộ của Lữ đoàn. Hiệp đồng với các trận địa pháo Vùng 5 ở bắc Phú Quốc chế áp các trận địa của địch trên đảo Hòn Nước, Phú Dự đến điểm cao 1081, ngã ba Bô Cô, cửa sông Cămpốt; khi cần thiết pháo bắn trực tiếp vào các mục tiêu ở bãi đổ bộ và chân núi Tà Lơn. Hiệp đồng với Lữ đoàn 125, các đơn vị vận tải chở quân khi tiến công đánh chiếm Côngpôngxom và vận chuyển thương binh tử sĩ.
Hạm đội 171 hiệp đồng với Không quân trinh sát chỉ thị mục tiêu trên biển, hướng dẫn tàu ta bắn phá và quan sát kết quả bắn những mục tiêu trên biển, trên bộ. Khu vực trinh sát chỉ thị mục tiêu từ vùng biển Phú Quốc theo dọc bờ biển Campuchia đến giáp biên giới Thái Lan, vào sâu trong đất liền từ 30 đến 40km. Vì khả năng của Không quân (khi đó) có hạn, nên sẽ chỉ chi viện hỏa lực cho Hạm đội 171 khi thật cần thiết.
Hiệp đồng với Lữ đoàn 126 để bảo vệ và nghi binh ở sườn trái đội hình đổ bộ của Lữ đoàn. Hiệp đồng với pháo 130mm, 105mm ở Gành Dầu bắn chi viện cho các biên đội tàu chiến đấu trên biển khi cần thiết.
Hiệp đồng với Trung đoàn 962/Quân khu 9 và lực lượng bộ binh của Quân đoàn 4 tiến theo đường sông để cùng các lực lượng khác của Bộ tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh .
Bộ Tư lệnh chiến dịch hiệp đồng với Quân đoàn 2 trinh sát nắm địch trên bộ, trên biển và sử dụng các đơn vị cùng tiến công giải phóng thị xã Côngpôngxom và cảng Côngpôngxom. Hiệp đồng với Không quân để đánh phá các mục tiêu trên bộ, trinh sát chỉ thị mục tiêu, quan sát kết quả bắn của một số hỏa lực Hải quân, vận chuyển, cấp cứu thương binh tử sĩ. (Còn nữa)