Bắn hạ được F-35, vì sao Nga vẫn không tin dùng Buk-M3?

Google News

(Kiến Thức) - Dù Nga tuyên bố thử nghiệm thành công từ 2016, tuy vậy đến nay bóng dáng của Buk-M3 trong biên chế của Quân đội Nga gần như là một ẩn số thậm chí có nhiều nhận định cho rằng tổ hợp phòng không này đã bị “khai tử”

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M3 do Viện nghiên cứu Tikhomirov NIIP phát triển và là biến thể mới nhất của dòng tên lửa phòng không Buk do Liên Xô chế tạo trước đây. Nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng không mới của Quân đội Nga Buk-M3 được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay cánh quay/cánh cố định, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái. Đặc biệt, Buk-M3 được cho là còn có khả năng tiêu diệt với cả các máy bay tàng hình hiện đại nhất hiện nay. Vậy Buk-M3 có gì khác biệt với các phiên Buk đang làm mưa làm gió tại Syria hiện tại.
Buk-M3 được đánh giá là biến thể toàn diện nhất của gia đình tên lửa Buk cho tới thời điểm hiện tại. Nguồn ảnh: defence-blog.
Cái tên của cuối cùng gia đình tên lửa Buk?
Theo nhiều chuyên gia quân sự đánh giá Buk-M3 có thể sẽ là biến thể cuối cùng của gia đình tên lửa phòng không Buk, khi các phiên bản nâng cấp hay mở rộng của Buk đã đạt tới giới hạn của mình. Buk-M3 cũng sử dụng loại đạn tên lửa 9M317M, biến thể hiện đại hóa của tên lửa 9M317, được Viện nghiên cứu khoa học NIIP phát triển cho cả Lục quân và Hải quân Nga. Nó được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo (chiến thuật, chiến lược); máy bay chiến đấu và trực thăng.
Đạn tên lửa 9M317M sử dụng nhiên liệu rắn, có chiều dài 5,08m, đường kính 0,36m và sải cánh 0,82m. Tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với tốc độ tối đa 3.000m/s (10.800km/h, tương đương gần Mach10), ở cự ly xa đến 2,5 - 70km và độ cao từ 15m - 35km. Đặc điểm nổi bật nhất là loại đạn tên lửa 9M317M có thể được lưu trữ trong kho mà không cần bảo trì thường xuyên trong thời gian tới 15 năm. Xác xuất phá hủy mục tiêu của Buk-M3 đạt đến mức 0,9999 và phạm vi phá hủy tối đa là 70km, tăng 25km so với thế hệ trước. Hệ thống này cũng có thể đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu có vận tốc bay là 3km/s.
Tên lửa 9M317M mang đầu đạn nặng 62kg và áp dụng phương thức nổ cận đích tạo chùm mảnh định hướng để tăng xác xuất tiêu diệt mục tiêu, trong môi trường bị nhiễu mạnh. 9M317M còn được lắp đầu tự dẫn đa chế độ gồm chế độ quán tính có hiệu chỉnh vô tuyến pha giữa và radar di động doppler chủ động ở pha cuối để nâng cao độ chính xác tiêu diệt mục tiêu.
Một tiểu đoàn Buk-M3 tiêu chuẩn bao gồm: 1 xe chỉ huy; 1 trạm trinh sát/bắt bám và điều khiển đặt trên xe (TAR); 6 xe phóng (TELAR), mỗi xe mang 6 quả tên lửa sẵn sàng phóng và 6 quả dự trữ; và 3 xe tiếp đạn. Một khẩu đội tên lửa Buk gồm 2 xe TELAR và TEL. Mỗi khẩu đội chỉ cần 5 phút để triển khai chiến đấu và rút khỏi trận địa sau khi phóng. Thời gian phản ứng của khẩu đổi từ khi theo dõi mục tiêu tới khi phóng tên lửa là khoảng 22 giây.
 Cận cảnh các thành phần chiến đấu của Buk-M3 trong một triển lãm quân sự của Nga. Nguồn ảnh: defence-blog.
Thành phần chiến đấu
Xe chỉ huy: Xe chỉ huy được vận hành bởi kíp chiến đấu 3 người, bên trong khoang xe được trang bị hệ thống bảo vệ chống vũ khí sinh hóa NBC bảo đảm cho kíp chiến đấu an toàn trong mọi tình huống. Trên xe được tích hợp hệ thống chỉ huy điều khiển số hóa toàn mạng kết nối trực tiếp với sở chỉ huy hậu phương; hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến và thông tin liên lạc vệ tinh.
Trạm trinh sát/bắt bám mục tiêu: Radar của Buk-M3 sử dụng 1 radar trinh sát tầm xa 9S117M1 Kupol-2 Snow Drift, tầm phát hiện mục tiêu là 100km; 1 radar bắt bám mục tiêu 9S35M2 Fire Dome hoạt động trong dải sóng H/I tầm hoạt động 120km, có thể theo dõi tên lửa từ cự ly 32km và theo dõi máy bay bay ở độ cao 15,000 - 22,000m. Nó có thể điều khiển 3 tên lửa tiêu diệt một mục tiêu. Radar của Buk-M3 có thể cùng lúc kiểm soát 75 mục tiêu, cung cấp các thông số cụ thể về 36 mục tiêu nguy hiểm nhất. Ngoài ra Buk-M3 còn được trang bị một hệ thống theo dõi quang học với máy đo xa laser để theo dõi thụ động mục tiêu.
Thiết bị xe phóng - tiếp đạn 9A316M của tổ hợp tên lửa Buk-M3 có thể mang tới 12 tên lửa trên bệ phóng. Trong đó bao gồm 6 tên lửa sẵn sàng trên bệ phóng và 6 tên lửa dự trữ trên khay giữ ngay dưới bệ phóng. Khung gầm xe sử dụng hệ truyền động thủy lực và hệ thống điều khiển thông tin tác chiến mới BIUS/БИУС. Thiết kế này cho phép xe mang được nhiều hơn các tên lửa trên bệ phóng và khay tên lửa dự trữ.
 Thay vì Buk-M3 Nga sẽ ưu tiên đưa vào trang bị trước S-500 nhằm hoàn thiện hệ thống phòng không đa tầng của Moscow. Nguồn ảnh: whq-forum.
Về cơ bản Buk-M3 là một tổ hợp tên lửa phòng không có các tính năng kỹ chiến thuật khá tốt nhưng đối với quân đội Nga nó có phần hơi thừa thải, bởi Moscow đã hoàn thiện các tổ hợp phòng không tầm trung của mình từ khá lâu và thứ họ muốn ở thời điểm hiện tại là hoàn tất việc xây dựng hệ thống phòng không toàn diện lên cả không gian bằng việc đưa vào trang bị tổ hợp phòng không tầm xa S-500. Dĩ nhiên trong tương lai gần, Quân đội Nga vẫn có thể quay lại với việc đưa vào trang bị hàng loạt Buk-M3 nhưng kế hoạch này sẽ không diễn ra trước năm 2020.
Trước các thông tin Buk-M3 không được Quân đội Nga “chào đón”, Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport của Nga trong tháng 4 năm nay bất ngờ tuyên bố sẽ đẩy mạnh vệc quảng bá biến thể xuất khẩu của Buk-M3 càng khiến tương lai của tổ hợp tên lửa phòng không này trở nên mờ mịt hơn.

Mời độc giả xem video: Nga thử nghiệm thành công Buk-M3. (nguồn QPVN)

Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)