Anh tính đổ một tấm để đó, mai mốt tụi nhỏ lớn thêm chút nữa rồi mới lên lầu… Nghe tiếng chồng vui vẻ khác thường, chị thử lắng nghe xem chồng mình đang “bàn tính” với ai ở nhà trên mà háo hức vậy? Chẳng bù mỗi lần vợ muốn bàn bạc chuyện gì chả cứ cáu kỉnh, gạt ngang.
- Em cũng thấy vậy đó, ăn nhiều ở bao nhiêu. Con cái còn nhỏ bày vẽ chi vừa tốn kém vừa cực. Mà anh tính kêu thợ ở đâu vậy? Giọng phụ nữ nghe thiệt êm. Chị ngó ra, thấy chồng mình đứng ngoài sân, sân nhà bên cạnh là cô hàng xóm đang vừa phơi đồ, vừa “tám” với chồng chị bằng cái giọng trời phú ngọt như đường phèn.
Anh chị đang ở tập thể cơ quan, có được căn nhà riêng là mơ ước bao năm qua của hai vợ chồng. Đồng lương của chị khiêm tốn, may mà lương anh cũng kha khá nên có dư chút ít mà để dành. Nhưng chẳng lẽ vì vậy mà anh coi thường, chẳng thèm bàn bạc với chị? Nếu vậy thì không công bằng chút nào! Cái nhà này dù anh kiếm ra nhiều tiền hơn nhưng nếu không có chị giỏi quán xuyến, khéo thu vén trong ngoài thì có được vậy không? Rồi chuyện con cái, chị lo toan, nuôi dạy để anh rảnh tay kiếm thêm, công đó chẳng lẽ đồ bỏ? Xây được nhà là niềm vui, là hạnh phúc mà chị đã cùng anh đeo đuổi suốt thời gian dài, vì vậy chị cũng muốn được cùng anh “thiết kế” căn nhà của chính mình.
|
Ảnh minh họa. |
Chị vẫn nghĩ, đây là chuyện lớn, vợ chồng cần phải bàn bạc, tính toán với nhau. Thế mà, hễ cứ mở miệng là anh phủi ngay: “Đàn bà biết gì mà ý kiến ý cò!”. Rồi phán: “Cứ lo hậu cần cho tốt, chuyện khác khỏi cần biết!”. Đã thành thói quen, trước giờ anh luôn cho mình cái quyền tự quyết tất cả mọi chuyện trong nhà, khỏi cần thông qua vợ. Chị ức lắm vì thấy mình chẳng khác người thừa.
Nhưng, vừa nãy nghe chồng bàn bạc “chuyện nhà” rất hào hứng với cô hàng xóm, chị thấy lòng như nghẹn lại, mặt nóng ran, máu muốn bốc lên đầu. Một cảm giác thật khó chịu. Chẳng lẽ mình... ghen? Nhưng “họ” nói chuyện bình thường mà! Cũng đâu phải là lần đầu. Sẵn dịp “bên này” với “bên kia” nhìn qua, hỏi han vài câu bâng quơ, rồi chẳng biết vì sao anh cứ hay “tiện thể” nói ra những điều mà bình thường chẳng thèm nói với vợ. Như hôm rồi, anh vắng nhà, người ta đến dời cái đồng hồ điện ra ngoài để tiện ghi số, chị còn lúng túng chưa biết gắn ở đâu thì cô hàng xóm nhanh nhảu: “Hổm em có nghe ảnh biểu gắn ở đây nè!”, chị nghe mà tức anh ách.
Sao chả không thích chuyện trò, bàn bạc với vợ mà lại cứ thao thao chia sẻ chuyện nhà với người ta? Chị tự hỏi mà lòng buồn ghê gớm. Mà cái cô hàng xóm cũng thiệt là… ngọt! Miệng mồm gì mà dẻo quẹo, chị nghe nổi hết cả da gà, nhưng sao chả có vẻ “chịu” quá vậy? Hình như, cả anh chồng cô ấy cũng phải “khuất phục” bởi cái sự ngọt ấy thì phải? Chẳng mấy khi chị nghe tiếng anh chồng, chỉ thấy suốt ngày anh lầm lũi làm theo những “chỉ đạo” ngọt ngào. Thôi thì hết anh ơi rồi anh à, “đãi” suốt ngày mà không biết mỏi!
Nhớ hồi mới cưới, chồng chị cũng thích “gọi dạ bảo vâng”, nhưng chị liếc chồng một cái thiệt dài, chọc anh: Hứ! Người ta kêu “anh” là may lắm rồi đó, đáng lẽ bằng tuổi chỉ kêu là “bạn” thôi! Mà tính chị cũng chẳng thể ngọt được như người ta, cứ thấy ngại miệng. Nay thì chị rút ra được một điều chí lý: đàn ông thích ngọt. Ngọt thì đố ai dám... cãi! Phải sửa thôi, chị hạ quyết tâm.
- Anh ơi… Anh à! Chị dài giọng, ngọt như mía lùi chờ đợi.
- Hả, bữa nay ăn… “trúng” gì vậy? Anh trừng mắt, làm chị chưng hửng nhưng cũng cố “đãi” thêm một chút :
- Dạ… Em đâu có ăn trúng gì đâu! Sáng giờ chắc anh mệt dữ rồi phải hôn? Trưa nay anh muốn ăn món gì để em đi chợ?
- Trời! Nghe muốn ớn lạnh luôn. Nổi hết cả da gà rồi. Anh giễu cợt. Đến đây thì chị hết chịu nổi:
- Còn tui, muốn lên cơn sốt đây nè! Tui tưởng anh thích ngọt mà? Anh xây nhà bàn bạc với ai, khi nào xong rước người đó về mà ở. Mẹ con tui ở nhà mướn.
Chị đùng đùng xách xe chạy ra khỏi nhà. Anh chết sững như trời trồng, nhưng rồi cũng hiểu chuyện gì đang xảy ra...
Trưa trờ trưa trật chị vẫn chưa thèm về, anh điện thoại chỉ nghe ò í e. Mọi hôm giờ này cơm nước đã dọn sẵn, ăn xong anh chỉ việc lên cái võng đu đưa. Hôm nay, đói rã bụng, ra quán ăn mà nuốt chẳng vô.
Vô tình nhìn qua hàng xóm, anh thấy người chồng đang lụi hụi rửa chén, dọn dẹp mà vẫn chưa yên với cái giọng ngọt như mía lùi: “Anh ơi... chiều về ngang chợ nhớ mua thêm mấy trái chanh nha. Nhà hết chanh rồi anh à...”. Nghe chuyện người ta, anh chợt nhớ tới sự chu đáo, tỉ mỉ của vợ mình.
Nghĩ chiều nguôi giận vợ sẽ rước tụi nhỏ về, nhưng đã chập choạng tối chẳng thấy bóng dáng mấy mẹ con, anh gọi điện thoại thì vợ không bắt máy, anh lo quá. Chuông điện thoại bàn bỗng đổ dồn, đầu dây bên kia tiếng ông ngoại tụi nhỏ vui vẻ: "Mẹ con nó biểu nhớ ông bà ở lại chơi vài bữa…".
Một mình trong căn phòng nhỏ, vắng vẻ nên cứ như rộng thênh thang, cả đêm anh thao thức. Sáng ra, anh nhắn vào máy vợ: “Bữa nay mình cùng đi chọn gạch lót nền nha em!”.