|
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
|
Bất chấp các cuộc tập trận chung, thăm Moscow là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tân Chủ tịch Tập Cận Bình và các dấu hiệu hợp tác ngày càng tăng giữa hai nước, Trung Quốc vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga.
Bất chấp những lời ca ngợi quan hệ Nga-Trung của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev, những luận cứ về lịch sử và địa chính trị không mấy thiên về sự phát triển bền vững của mối quan hệ có tính tình thế này.
Những quan ngại của người Nga về sự xâm lấn liên tục của Trung Quốc vào khu vực Viễn Đông cũng đang tăng lên đều đặn theo thời gian, kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Kể từ năm 1991, dân số của khu vực Viễn Đông đã giảm 20% xuống còn 6,28 triệu người và con số này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 4,7 triệu người vào năm 2025. Trong khi đó, cư dân của ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc liên kề đã lên đến 110 triệu người.
Một thời gian ngắn sau khi nhậm chức vào năm 2000, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu xu thế đáng ngại này không bị đảo ngược, các công dân Nga “ở khu vực biên giới sẽ nói tiếng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong vài thập kỷ tới”.
Mười hai năm sau, Tổng thống Putin trở lại đề tài này và coi sự phát triển khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga là “nhiệm vụ địa chính trị quan trọng nhất”.
Tuy nhiên, tin tức từ Viễn Đông trong mùa hè qua cho thấy sự “xâm nhập” của Trung Quốc về người và của vào khu vực này vẫn tiếp diễn.
Hồi giữa tháng 8/2013, Ngân hàng Phát triển Nhà nước Trung Quốc đang xem xét rót tới 5 tỷ USD vào các dự án khác nhau ở khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga.
Nêu bật vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực Viễn Đông, một bài viết đăng tải trên báo chí Nhật Bản tập trung vào vấn đề dân Trung Quốc “vượt biên” vào khu vực Viễn Đông để trồng trọt, mặc dù đã có lệnh cấm sở hữu hoặc thuê đất.
Ở Khu tự trị Do Thái - một khu vực hành chính tập trung người Do Thái của Liên Xô dưới thời Stalin, có tới 40 % diện tích đất canh tác hiện đã lọt vào tay công dân Trung Quốc. Theo truyền thông Trung Quốc, 90% của các loại rau quả bán ở vùng Viễn Đông Nga trong năm 2012 là do người Trung Quốc gieo trồng. Theo ước tính, số lượng lao động Trung Quốc đang làm việc ở khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga lên tới nửa triệu người.
Xu thế thay đổi nhân khẩu học nói trên khiến cho ban lãnh đạo Nga cảm thấy lo lắng. Hồi tháng 8/2012, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cảnh báo rằng việc để bảo vệ vùng Viễn Đông trước sự bành trướng “quá mức của các nước láng giềng” là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và Liên bang Nga không cho phép “hình thành các biệt khu dành riêng cho công dân nước ngoài” ở khu vực này.
Viktor Ishayev, người được đích thân Tổng thống Putin bổ nhiệm lãnh đạo khu vực Viễn Đông, đã bắt đầu một chương trình phát triển khu vực bằng cách thu hút 1,1 triệu lao động mới trong thập kỷ tới, bao gồm cả lao động nước ngoài. Hiện đã có 240.000-280.000 “lao động ngoài khu vực” làm việc ở khu vực Viễn Đông, chủ yếu đến từ khu vực Caucasus và Trung Á.
Việc một vài chính khách Nga đề nghị chuyển thủ đô Liên bang Nga từ phần lãnh thổ Châu Âu sang phần lãnh thổ Châu Á xem ra khá phi lý. Nhưng điều này lại bộc lộ sự tuyệt vọng ngày càng tăng của Liên bang Nga trước việc khu vực Viễn Đông đang dần dần tuột khỏi sự kiểm soát của Moscow.
Nhà phân tích Mikhail Delyagin , giám đốc Viện Các vấn đề toàn cầu hóa, nhận định sự xâm nhập của Trung Quốc vào khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga đang vẫn “tiếp tục với tốc độ mạnh mẽ”.
Chính vì vậy mà việc Liên bang Nga tăng cường bổ sung nhiều tàu nổi, tàu ngầm hiện đại cho Hạm đội Thái Bình Dương xem ra vô tác dụng vì sức mạnh địa chính trị trong thế kỷ 21 được xác định bằng đầu tư trực tiếp nước ngoài và và lao động di cư xuyên quốc gia.
Hạm đội Thái Bình Dương có mạnh đến mấy cũng không thể ngăn cản khu vực Viễn Đông từ từ trôi dạt ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Liên bang Nga.