|
Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân thăm Indonesia.
|
Sáng kiến trên được công bố tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Indonesia Bambang Susillo Yudhoyono. Ông Tập đang tiến hành chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, và tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bali, Indonesia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời các nền kinh tế châu Á đang phát triển sử dụng hỗ trợ của Trung Quốc trong việc củng cố cơ sở hạ tầng. Ngân hàng mới sẽ hợp tác với các hệ thống tài chính hiện có để khai thác lợi thế lẫn nhau.
Hiện nay, các công trình hạ tầng lớn trong khu vực trông chờ vào sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á. Trung Quốc có ảnh hưởng hạn chế trong các quyết định của ngân hàng này. Ông Tập Cận Bình đã công khai nói về sự sẵn sàng của Trung Quốc, ghé vai đỡ gánh nặng kinh phí trong các dự án cơ sở hạ tầng mới ở khu vực.
Trung Quốc đã trở thành cổ đông lớn nhất của các ngân hàng phát triển do SCO và BRICS thành lập. Rõ ràng, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á sẽ được bổ sung vào danh sách này. Đây là lĩnh vực ưu tiên đặc biệt của Trung Quốc trong hợp tác với hầu hết các nước của khu vực. Trước hết, đó là các nước ASEAN mà sáng kiến mới trực tiếp nhằm vào.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội chính trị (Nga) Vladimir Yevseyev, Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng ở ASEAN. Ông Yevseyev nói: “Sự giúp đỡ dành cho các nước khác phục vụ cả những lợi ích riêng của Trung Quốc. Chẳng hạn, xây dựng ống dẫn, đường bộ và đường sắt. Bề ngoài là thúc đẩy sự phát triển, nhưng trên thực tế, hàng Trung Quốc bắt đầu đổ vào ồ ạt và bán phá giá. Ở Trung Á là như vậy. Chắc chắn sẽ xuất hiện luồng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Mở rộng ảnh hưởng kinh tế tiến tới ảnh hưởng về chính trị”.
Đề án ngân hàng tài chính còn là kỳ vọng tăng cường kiểm soát các tuyến đường biển châu Á. Đây là một mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc trước sự cạnh tranh thống trị với Mỹ trong khu vực.
Chuyên gia Vladimir Yevseyev nói tiếp: “Tất nhiên, Trung Quốc không muốn bị lệ thuộc vào eo biển Malacca. Trung Quốc có các dự án Gwadar ở Pakistan và Myanmar nhằm mở hướng thoát khỏi ‘nút thắt cổ chai’ Malacca. Trung Quốc tìm cách tận dụng mọi cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu đạt thỏa thuận với Iran, Mỹ có thể giảm sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh và tập trung lực lượng vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong trường hợp như vậy, Trung Quốc phải sẵn sàng có các kênh thay thế an toàn để đảm bảo cung cấp nguyên liệu, dầu mỏ và khí đốt”.
Trong chuyến công du đầu tiên tới châu Phi hồi tháng Ba năm nay, ông Tập Cận Bình đã đề nghị cấp đầu tư lãi suất thấp cho hoạt động phát triển tài nguyên khoáng sản, xây dựng hạ tầng. Hồi tháng Chín, nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Trung Á cũng với hành lý ngoại giao tương tự. Xu hướng làm việc này nổi bật trong chuyến đi Đông Nam Á của ông Tập Cận Bình.
Đề xuất hỗ trợ tài chính từng nhận được sự cổ vũ ở Tanzania, Nam Phi, Cộng hòa Congo cũng như Tajikistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan. Lần này, không biết ông Tập Cận Bình sẽ nhận được sự phản hồi như thế nào?