|
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
|
Theo giới phân tích, Bắc Kinh và Moscow sẽ gạt sang một bên những sự bất đồng vì hai bên sẽ được lợi nhiều hơn từ quan hệ ngoại giao gần gũi và hợp tác phát triển kinh tế.
Giáo sư Gilbert Rozman, chuyên nghiên cứu Đông Bắc Á tại Đại học Princeton, nhận định quan hệ Trung-Nga “có rất nhiều vấn đề rắc rối”, nhưng những vấn đề này sẽ tạm thời chìm lắng trong vòng vài năm tới.
Với 20-30 hiệp định song phương được ký kết và chưa tạo ra được một bước đột phá có tính chất lịch sử, nhưng việc tân Chủ tịch Tập Cận Bình chọn Nga cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên đã có tính chất biểu tượng quan trọng.
Ưu tiên quan hệ đối tác
Đối với Nga, việc cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga) Andrei Ostrovsky nói: “Nga vẫn là đối tác chính trị số một của Trung Quốc. Hiện thời, hai bên tìm cách nâng mức độ hợp tác kinh tế lên ngang tầm với quan hệ đối tác chính trị”.
Kim ngạch thương mại Nga-Trung Quốc đạt gần 88 tỷ USD trong năm 2012, chưa bằng ¼ kim ngạch thương mại của hai nước với Liên minh châu Âu (kim ngạch thương mại Trung Quốc-EU đạt 546 tỷ USD trong năm 2012, trong khi kim ngạch thương mại Nga-EU đạt 394 tỷ USD).
Theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng kim ngạch thương mại song phương Trung-Nga cần tăng gấp 4 lần trong những năm tới. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để đạt được mục tiêu tăng gấp 4 lần này?
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn liên tục thặng dư thương mại với Nga. Đó là chưa kể hầu như tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Nga (khoảng 35,7 trên 88 tỷ USD trong năm 2012) lại chủ yếu là các loại nguyên liệu như dầu mỏ, vàng và gỗ.
Vasily Kashin, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông, cho biết phía Nga muốn thay đổi điều đó và tăng tỷ trọng hàng công nghiệp bán sang Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại cản trở việc nhập khẩu hàng công nghiệp Nga bằng nhiều biện pháp bảo hộ.
Về phần mình, Liên bang Nga cũng muốn độc quyền cung cấp khí đốt để thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh và thiếu năng lượng.
Kế hoạch này đã được phát động từ năm 2006, khi Moscow và Bắc Kinh đồng ý xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Tây Siberia sang Trung Quốc, với công suất hàng năm theo kế hoạch 38 tỷ mét khối. Nhưng công việc xây dựng đường ống vẫn bị trì hoãn do hai bên còn chưa đạt được thỏa thuận về giá cả.
|
Tổng thống Putin "mở khóa van" tượng trưng đường ống dẫn dầu Nga-Trung Quốc trong năm 2010. |
Phía Nga muốn bán khí đốt cho Trung Quốc với mức giá tương đương với giá bán cho khách hàng châu Âu (khoảng 400 USD/1.000 m3), nhưng Trung Quốc lại muốn giảm giá và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung từ các nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây.
Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay, nhưng các nhà phân tích tỏ ra không mấy tin tưởng. Ngày 21/3, phát ngôn viên của Tổng thống Putin cho biết sẽ không đạt được thỏa thuận khí đốt cuối cùng trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Từ hợp tác chuyển sang cạnh tranh trên thị trường vũ khí toàn cầu
Một lĩnh vực mà Moscow và Bắc Kinh đã hợp tác khá tốt trong một thời gian dài là buôn bán vũ khí. Nhưng mối quan hệ này đang dần dần chuyển từ hợp tác sang cạnh tranh.
Một sự thay đổi lớn đã diễn ra trong năm ngoái, khi Trung Quốc (nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới) đa xlojt vào Top 5 các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất. Tuy chỉ chiếm có 5% thị phần thế giới (so với 26% của Nga), nhưng đây quả là một sự gia tăng đáng kể so với con số 2% của năm 2007.
Kể từ những năm 1990, Trung Quốc vốn là khách hàng lớn mua các loại vũ khí Nga và đạt mức đỉnh điểm trong năm 2005, khi Trung Quốc mua của Nga 4 tỷ USD vũ khí. Con số này đã tụt xuống còn 800 triệu USD trong năm 2009 và ngoi lên 2,1 tỷ USD trong năm ngoái.
Nga và Trung Quốc không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường buôn bán vũ khí. Hơn một nửa số vũ khí mà Trung Quốc xuất khẩu là sang Pakistan - một thị trường đóng cửa đối với vũ khí Nga vì Nga là đối tác chiến lược địa chính trị của Ấn Độ. Hơn nữa, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục mua vũ khí Nga và đã bày tỏ sự quan tâm đến tàu ngầm lớp Amur, máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống phòng không S-400…
Thế nhưng, người Nga đang lo ngại về sự cạnh tranh đang dần dần gia tăng của Trung Quốc và đặc biệt lo ngại khả năng “sao chép” của các nhà sản xuất Trung Quốc. Chỉ có điều Nga không muốn làm to chuyện, khi cân nhắc những lợi ích to lớn hơn của mối quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung.
Nghi kị lẫn nhau, thiếu vắng cầu nối
Trong khi đó, lợi ích của hai nước bị chồng chéo ở hai khu vực rất quan trọng là Viễn Đông và Trung Á.
Các tỉnh có dân cư thưa thớt ở phía Đông Liên bang Nga đang tụt hậu về kinh tế và có cơ sở hạ tầng yếu kém. Mối quan hệ xuyên biên giới gần gũi hơn có thể cung cấp sự thúc đẩy rất cần thiết cho khu vực Viễn Đông của Nga và các tỉnh phía Bắc của Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía Nga vẫn không mấy mặn mà với mối quan hệ kinh tế xuyên biên giới này do lo ngại có thể mất khu vực Viễn Đông vào tay nước láng giềng Trung Quốc không chỉ giàu có mà còn rất đông dân. Trung Quốc cũng đã từng bộc lộ tham vọng lãnh thổ trong quá khứ. Một ví dụ minh chứng cho sự thiếu mặn mà này là hầu hết đường biên giới Trung-Nga dài 4.000 km ở vùng Viễn Đông được ngăn cách bằng sông Amur và sông Ussuri, nhưng không có cầu bắc qua sông.
Tình hình cũng không kém phần phức tạp ở các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây, một khu vực Nga vẫn duy trì sự hiện diện quân sự và coi là một phần của ảnh hưởng địa chiến lược quan trọng.
Cho đến nay, Trung Quốc và Nga đã tuân thủ một qui tắc “bất thành văn” ở Trung Á, trong đó Trung Quốc tập trung vào khía cạnh kinh tế còn Nga tập trung vào khía cạnh chính trị-an ninh ở 5 nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây. Với sự lớn mạnh của Trung Quốc, qui tắc “bất thành văn” này có thể chuyển đổi theo hướng bất lợi cho Nga.
Gần đây, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan… và Nga đã tìm cách can thiệp. Hành động can thiệp này có thể dẫn đến một cuộc “chiến tranh khí đốt”, khi Trung Quốc vẫn có ý định nhập khẩu 60 tỷ mét khối khí đốt từ các nước cộng hòa Trung Á trong năm 2015.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng ngày càng ráo riết hoạt động trong khu vực, với kim ngạch thương mại ngày càng tăng: từ chưa đầy 1 tỷ USD trong những năm 1990 lên đến 17 tỷ USD trong năm 2011 (theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc). Cùng thời điểm, kim ngạch buôn bán của Nga với 5 nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ chỉ đạt mức 21 tỷ USD.
Hai nước hiện cũng đang tranh giành quyền lãnh đạo các khối địa chính trị trong khu vực như Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) có trụ sở ở Bắc Kinh. Một nhà phân tích người Trung Quốc cho rằng Moscow đang tìm cách hạ thấp vai trò của SCO, trong khi nâng cao vài trò của CSTO do Nga lãnh đạo.
Siêu cường quá khứ và siêu cường hiện tại
Cho đến nay, Trung Quốc và Nga vẫn chia sẻ và ủng hộ quan điểm của nhau tại Hội đồng Bảo an LHQ, nơi cả hai nước đều là thành viên thường trực, chống lại sự áp đặt phương Tây và các đồng minh.
Nga và Trung Quốc đã “kề vai sát cánh” chống lại sự can thiệp của phương Tây ở Libya (2011) và ở Syria (đồng minh cũ của Nga) và cùng phản đối kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở nước ngoài.
Tuy nhiên, trong khi mong muốn hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Nga vẫn không giấu giếm nổi thái độ bất bình trước tham vọng bá quyền của Bắc Kinh.
Trong khi cả hai nước đều có tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, nhưng lại có những lợi ích khác nhau. Trung Quốc muốn Nga ủng hộ trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, giữa lúc Moscow muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế ở khu vực Đông Á ngoài Trung Quốc.
Một yếu tố nữa có thể tác động đến quan hệ Trung Nga có thể là Mỹ. Trong khi Bắc Kinh và Washington bị ràng buộc bởi một phụ thuộc kinh tế lẫn nhau (kim ngạch thương mại song phương đạt mức 484 tỷ USD trong năm 20121), hai nước này vẫn là đối thủ của nhau về địa chính trị.
Nếu sự đối đầu địa chính trị này leo thang thành một cuộc xung đột, Trung Quốc muốn Nga tiếp tục “hỗ trợ về tất cả các vấn đề chính sách đối ngoại”. Chỉ có điều, người Nga lại muốn “tọa sơn quan hổ đấu”, chứ không dại gì lao đầu vào cuộc đấu sinh tử của hai gã khổng lồ có sức mạnh kinh tế số 1 và số 2 thế giới.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: