|
Ảnh minh họa.
|
Mâu thuẫn ý thức hệ
Nguyên nhân căn bản khiến chính phủ Mỹ đóng cửa từng phần là sự khác biệt quan điểm về kinh tế-xã hội giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Đảng Cộng hòa ưu tiên kinh tế trên hết, đồng thời chủ trương giới hạn tối đa vai trò của chính phủ trong các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, đảng Dân chủ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề công bằng xã hội và chủ trương chính phủ phải can thiệp nhiều hơn vào các sinh hoạt kinh tế-xã hội.
Đảng Cộng hòa luôn luôn theo đuổi con đường tư bản chủ nghĩa. Chính phủ chỉ giữ vai trò điều hành, giám sát, trọng tài pháp lý… để giúp xã hội tự vận hành trong một môi trường mà mọi ngành kinh tế, sản xuất đều tồn tại và thăng tiến nhờ cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, mọi người đều phải nỗ lực gắng sức để tồn tại và phát triển.
Thực ra nỗ lực ngăn chặn Obamacare chỉ là sự tiếp nối nỗ lực bị thất bại của đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn không cho dự luật cải tổ y tế này trở thành luật, khi đảng Dân chủ nắm đa số cả ở Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ cách đây mấy năm.
Hiện tại, đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện nhưng lại là thiểu số ở Thượng viện nên đảng tìm cách hoãn binh để chờ thời cơ lật ngược thế cờ. Phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện đã thông qua dự luật hoãn thi hành Obamacare thêm một năm và chờ khi phe này chiếm đa số ở lưỡng viện quốc hội thì sẽ tìm cách thông qua luật hủy bỏ luật cải tổ y tế này.
Đây có thể coi là một thủ đoạn chính trị của đảng Cộng hòa nhằm bắt bí Tổng thống Obama và đảng Dân Chủ. Thế nhưng, nó có thể gây nhiều bất lợi cho đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử tương lai.
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao phe Cộng hòa quyết ngăn cản đến cùng việc thực hiện Luật cải tổ y tế Obamacare, dù biết rằng có thể “lợi bất cập hại”?
Câu trả lời là việc thực hiện Obamacare đụng chạm đến túi tiền của thiểu số những người Mỹ có thu nhập cao, nhất là các nhà tư bản, khi họ phải đóng thêm thuế nhiều hơn để tài trợ cho số đông những người dân có thu nhập thấp mua được bảo hiểm y tế. Mọi chủ trương đối nội cũng như đối ngoại gây bất lợi cho các nhà tư bản, các tập đoàn tư bản và thành phần thượng lưu trong xã hội…đều bị phe Cộng hòa chống đối đến cùng.
Ngược lại đảng Dân Chủ theo đuổi khuynh hướng xã hội, chủ trương để chính phủ can dự vào các sinh hoạt xã hội, hạn chế quyền lợi và gia tăng nghĩa vụ của người giàu, trong khi nỗ lực giúp người nghèo được hưởng phúc lợi xã hội.
Sự mâu thuẫn "ý thức hệ" đó dẫn đến vụ đóng cửa chính phủ kể từ ngày 1/10/2013, khiến Tổng thống Barack Obama chỉ trích “một phe nhóm bất trị của đảng Cộng hòa đã tiến hành một cuộc ‘thập tự chinh’ ý thức hệ để chối bỏ dịch vụ bảo hiểm y tế cho hàng triệu người Mỹ”. Ông Obama ám chỉ nhóm hơn 40 hạ nghị sĩ bảo thủ nhất của đảng Cộng hòa.
Không ngăn cản được đạo luật cải cách y tế (còn được gọi là Obamacare) thành hình và bắt đầu có hiệu lực, nên phe Cộng hòa tìm cách ngăn chặn ngân sách cho đạo luật này bằng cách không cho chính phủ bỏ tiền thực hiện chính sách bảo hiểm y tế mới.
Đảng Dân chủ và Tổng thống Obama không thể nhượng bộ, nên Thượng viện do các nghị sĩ Dân chủ chiếm đa số đã 4 lần bác bỏ dự luật ngân sách hạn chế do Hạ viện đưa lên để ngăn cản thi hành Obamacare.
Một hệ thống chính trị thất bại?
Có thể nói rằng hệ thống chính trị Mỹ đã thất bại trong việc giải quyết ổn thỏa một vấn đề xã hội. Nói cách khác, hệ thống này bị chia rẽ trầm trọng vì hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nhất quyết đối đầu dù dẫn đến sự hạn chế hoạt động của chính phủ Mỹ - ngành hành pháp của một quốc gia đang phải quán xuyến công việc của cả thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực: từ an ninh và hòa bình đến kinh tế, thương mại…trên toàn thế giới.
Đông đảo người Mỹ tỏ ra rất tức giận trước một biến cố chính trị hiếm có trên thế giới và chỉ xảy ra ở Mỹ. Trước hết, bị "cháy thành vạ lây" là 800.000 nhân viên của chính quyền liên bang phải tạm nghỉ việc không lương. Sau đó là các công ty có hợp đồng với những cơ quan bị nghỉ việc: chậm thanh toán, có thể bị tạm thời đình chỉ đồng… trong khi vẫn phải trả lương cho nhân viên.
Nhưng trên hết là ảnh hưởng tiêu cực của biến cố này đối với nền kinh tế Mỹ đang hồi phục và cả kinh tế thế giới nữa. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố rằng biến cố này kéo dài sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu.
Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
Mâu thuẫn khiến chính phủ bị đóng cửa chưa được giải quyết, thì lại đến vụ nước Mỹ cần phải nâng trần nợ công vào giữa tháng này. Người Mỹ phải tự hỏi tình hình kinh tế-chính trị của “siêu cường số 1 thế giới” sẽ đi về đâu?
Nếu không được nâng trần nợ công thì mức độ tín nhiệm tài chính của Mỹ sẽ bị suy giảm nặng nề và uy tín quốc tế cũng vậy. Có ý kiến cho rằng Mỹ buộc phải xây dựng lại chiến lược kinh tế và đối ngoại. Nhiều ý kiến khác chưa rõ nước Mỹ sẽ phải làm gì để tránh kịch bản này xảy ra. Người ta chi có thể cầu mong Quốc hội Mỹ sẽ nâng trần nợ công vào ngày 17/10, trong khi không có ai nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi biến cố đóng cửa chính phủ vẫn chưa có triển vọng chấm dứt.