Đứng chờ khách trước một siêu thị trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (TP.HCM), anh Minh Tuấn (tài xế taxi Mai Linh) cho biết, giá xăng dầu thời gian qua liên tục tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến "cần câu cơm" của gia đình anh.
“Giá xăng vượt ngưỡng 32.000 đồng/l mà hãng vẫn "án binh bất động", không hỗ trợ cho tài xế. Do đó, nhiều tài xế phải tạm ngưng chạy trong thời gian này và chờ khi giá xăng giảm mới chạy tiếp", anh Tuấn than thở.
Nguyễn Nam, đối tác của ứng dụng GrabCar cho biết, giá xăng dầu tăng gây sụt giảm doanh thu nhưng anh vẫn cố gắng "cày" để kiếm tiền trang trải cuộc sống, trả lãi ngân hàng.
"Ngày nào chở khách cũng nghe người ta than vãn cước xe cao, không muốn đặt xe công nghệ nữa. Nhưng họ đâu biết rằng, giá tăng không phải do chúng tôi”, nam tài xế phân trần.
Anh cho biết, mặc dù xăng dầu tăng giá nhưng phía đơn vị cung ứng công nghệ vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho đối tác khi vẫn thu đủ chiết khấu. Mỗi chuyến xe, app thu của tài xế khoảng 30%.
Trong khi đó, khách đi xe công nghệ phải trả tiền nhiều hơn nhưng tài xế cũng không được hưởng lợi, thậm chí bị thiệt hại do số tiền cước tăng thêm chưa đủ bù cho tiền đổ xăng tăng cao, còn lượng khách đi xe giảm do giá cước cao.
Khó đặt xe vì tài xế đua nhau tắt app
Thời gian gần đây, nhiều khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe hoặc giao hàng trên các app công nghệ phàn nàn về việc khó gọi được shipper hoặc phải chờ rất lâu mới có người nhận cuốc. Nguyên nhân là hiện nay do ảnh hưởng của giá xăng tăng, thu nhập giảm sút khiến tài xế phải tắt app, tạm ngưng hoạt động vì ‘‘thu không đủ chi".
Anh Tấn Vinh, nhân viên văn phòng có trụ sở trên đường Điện Biên Phủ (quận 10, TP.HCM) cho biết sau giờ làm việc rất khó đặt xe qua app.
Anh Vinh đặt xe 4 chỗ qua app của Be cho quãng đường từ công ty về nhà ở Ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) lên gần 150 nghìn đồng, gấp đôi trước đây.
“Mọi khi chờ 2-3 phút là có xe ngay thì nay tôi đợi 15 - 20 phút mà tài xế vẫn chưa đến. Thậm chí, có lúc tài xế còn huỷ cuốc. Đáng lẽ giá cước cao thì đồng nghĩa với chất lượng phục vụ nhanh và tốt hơn, đằng này lại khiến khách phải chờ đợi lâu hơn…", anh Vinh nói.
Nhiều tài xế thừa nhận trong bối cảnh giá xăng tăng cao, họ quyết định không chạy qua app nữa mà chọn cách "chạy chui". Họ bật app lên xem, thấy khu vực nào có khách đặt nhiều sẽ tắt app rồi chạy đến kiếm khách.
"Nhiều tài xế tắt app, hủy cuốc rồi lên mạng thỏa thuận với khách hoặc chào mời khách kiểu truyền thống. Vì thế, nhiều khách hàng khó đặt được xe theo cách cũ là điều dễ hiểu", một tài xế thừa nhận.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Việt Linh - Giám đốc truyền thông Be Gruop cho biết, đơn vị có hơn 300 nghìn tài xế ô tô và xe máy nhưng sức ép giá xăng tăng cũng khiến hoạt động của tài xế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, app không thể tăng giá cước ngay lập tức theo giá xăng vì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng.
Tuy nhiên, từ ngày 16/6, để hỗ trợ bác tài yên tâm cung cấp dịch vụ cho khách hàng, Be đã hỗ trợ tiếp tục giữ mức giảm chiết khấu dịch vụ beCar lên đến 10% tại TP.HCM, Bình Dương & Đồng Nai, đồng thời tiếp tục bổ sung nâng cao các chương trình thưởng hỗ trợ doanh thu cho tài xế Be nói chung.
“Hiện nay, nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân trong giai đoạn kinh tế phục hồi sau đại dịch đang tăng cao. Vào khung giờ cao điểm, khách gặp đôi chút khó khăn trong việc tìm được tài xế là điều không thể tránh khỏi”, đại diện Be Gruop chia sẻ.