Năm 2019, Chính phủ sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, khơi thông các động lực tăng trưởng, duy trì đà phát triển của nền kinh tế; thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là năm 2019 phải hơn 2018 về mọi phương diện, mọi mặt”. Đó là chia sẻ của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với phóng viên Báo điện tử VOV nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019.
Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, năm 2018 đất nước ta “gặt hái” nhiều thành công trong phát triển kinh tế- xã hội. Xin Phó Thủ tướng cho biết, những nguyên nhân cơ bản, có tính bài học kinh nghiệm, để đạt kết quả như vậy?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Bước vào năm 2018, năm “bản lề” của giai đoạn 2016- 2020, tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục xu hướng phức tạp của những năm gần đây. Nhưng kinh tế Việt Nam năm 2018 tiếp tục khởi sắc, phát triển trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017 - mức tăng cao nhất 11 năm qua, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,54%, vượt khá xa so với yêu cầu của Quốc hội. Thu ngân sách nhà nước vượt hơn 100.000 tỷ đồng ở cả ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương, cả thu nội địa và thu xuất khẩu. Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Để đạt được những kết quả của năm 2018, có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Trước hết, do chúng ta đã kế thừa được những thành quả quan trọng của 2 năm 2016-2017, xa hơn nữa là thành tựu của 30 năm Đổi mới trên cơ sở kiên trì và quyết liệt thực hiện các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và của Quốc hội. Kiên trì tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả sau cạnh tranh, ta vừa tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn được nâng lên.
Cùng với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, không thể không nhắc đến quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm” của cộng đồng DN, của mỗi người công nhân trong công xưởng, mỗi người nông dân trên ruộng đồng.
Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của người dân, của DN, vì người dân, vì DN trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, nên đã tạo được chất lượng tăng trưởng hơn, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đà chuyển biến tích cực, năm sau tốt hơn năm trước.
Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, độ mở tăng
Phóng viên: Một số chuyên gia cho rằng năm 2018 tăng trưởng cao, nhưng “chất lượng tăng trưởng” vẫn còn là điều phải bàn. Phó Thủ tướng nhận định như thế nào về điều này?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tôi xin nói luôn là năm 2018 xu hướng rất tốt ngoài tốc độ tăng trưởng đạt 7,08%, nước ta là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, năng suất chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên.
Nổi bật là một số chỉ số đóng góp của nhân tố đóng góp tổng hợp 2018 tính toán khoảng 40,23% vào tăng trưởng chung. Trong khi đó, cả giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 33,58% và mục tiêu kế hoạch 5 năm của chúng ta từ 30-35%. Ngoài ra còn chỉ số tín dụng chứng minh nền kinh tế nước ta không phụ thuộc vào nguồn vốn. Nếu như 2016 để có 1% tăng trưởng GDP thì chúng ta cần 2,94% tăng trưởng tín dụng, năm 2017 chỉ số này giảm còn 2,68% và năm 2018 thì chỉ số này chỉ là 2,1%. Tín dụng ra ít hơn, giải ngân đầu tư công chỉ khoảng 92%, nhưng tăng trưởng vẫn cao.
Tương tự, năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm, cao hơn mức tăng 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR đang dần được cải thiện, từ mức 6,42 năm 2016 giảm xuống còn 6,11 năm 2017 và ước tính năm 2018 là 5,97, bình quân giai đoạn 2016-2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn mức 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
Độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đạt 208,6%, điều này chứng tỏ Việt Nam khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới.
Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng khá. GDP theo giá hiện hành năm 2018 đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần quy mô GDP năm 2011. GDP bình quân đầu người năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam tiếp tục chuyển dịch tích cực theo xu hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Rõ ràng yếu tố chất lượng tăng trưởng có cải thiện tích cực. Như vậy, nếu có ý kiến nói chất lượng tăng trưởng còn phải bàn là không thuyết phục. Nhưng lĩnh vực này chúng ta vẫn còn phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều nữa.
Hội nhập quốc tế mở ra những cơ hội mới
Phóng viên: Đầu năm 2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên đã chính thức có hiệu lực. Phó Thủ tướng có thể cho biết những lợi thế cũng như thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định quan trọng này?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: CPTPP có ý nghĩa rất quan trọng cả về thực tiễn cũng như tinh thần đối với kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế đang rất phức tạp. CPTPP là một thông điệp rất quan trọng về một biểu tượng cho xu thế hội nhập, vẫn là xu thế chủ đạo trong kinh tế thế giới hiện nay và cũng khẳng định chủ trương nhất quán của nước ta là tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Xét về nhiều mặt, CPTPP mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam. CPTPP có thể giúp cho GDP của Việt Nam tăng 1,3% và xuất khẩu có thể tăng đến 4,04% đến năm 2035; nhập khẩu tăng khoảng 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, do đó, cán cân thương mại tổng thể không ảnh hưởng.
CPTPP cũng giúp Việt Nam có cơ hội tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn. Trước đây, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là 10 nền thị trường lớn. Tham gia CPTPP, chúng ta có thể mở rộng thị trường xuất khẩu thành 10+, đặc biệt là 3 đối tác mà chúng ta chưa có quan hệ như Mexico, Canada, Peru.
Tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực. Các dòng vốn và chuỗi giá trị có cơ cấu lại. Ngoài ra, chúng ta cũng có cơ hội để tăng cường thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là các lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh như dệt may, da giày. Đặc biệt, CPTPP còn là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế.
Về giảm nghèo, theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp Việt Nam giảm được 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn 5,5 USD/ngày. Đồng thời, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân Việt Nam.
Thách thức khi Việt Nam tham gia CPTPP có nhưng không lớn, do trong 10 nước thì 7 nước chúng ta đã có hiệp định song phương từ trước. Còn 3 nước chưa có hiệp định song phương là Mexico, Canada, Peru thì Việt Nam và các nước này là những nền kinh tế bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh trực tiếp nên cơ hội để xuất khẩu hàng hoá sang nước bạn là tốt. Hiện chúng ta đang xuất siêu sang 3 nước nay.
Về cắt giảm thuế nhập khẩu cũng sẽ giảm một phần thu ngân sách nhưng sẽ không giảm đột ngột do 10 nước đối tác thì đã có 7 nước Việt Nam có hiệp định song phương.
Một số mặt hàng có thể phải cạnh tranh lớn là thịt lợn, thịt gà nhưng chúng ta lại có lộ trình giảm thuế 10 năm. Một số sản phẩm khác có thể có khó khăn như giấy, thép, ô tô nhưng sức ép cạnh tranh cũng không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10-15 năm nữa, sản phẩm của chúng ta vẫn hướng tới thị trường trung bình, trong khi các nước CPTPP thì hướng tới thị trường cao cấp nên cũng không phải cạnh tranh, chèn ép nhau nhiều về mặt thị trường. Về thương mại dịch vụ và đầu tư, một số ngành như: quảng cáo, dịch vụ logistic cũng có thể phải đối mặt với thách thức và cạnh tranh nhưng việc cạnh tranh này sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bứt phá để về đích
Phóng viên: Để tiếp tục phát huy những kết quả ấn tượng mà chúng ta đã đạt được trong năm qua, Phó Thủ tướng có thể chia sẻ về phương châm "Bứt phá" mà Chính phủ đặt ra cho năm 2019?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đã xác định phương châm hành động 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hàng động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Có người hỏi năm 2019 phải “bứt phá” và “bứt phá” như thế nào? Theo tôi, nếu năm 2018 là năm “bản lề” thì năm 2019 phải “bứt phá” để về đích, để có thể hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của cả giai đoạn 2016- 2020. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương là năm 2019 phải khá hơn năm 2018 về mọi phương diện.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh, đường hướng đã rất rõ ràng, mục tiêu đã rất cụ thể. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải có nỗ lực vượt bậc, ý chí quyết tâm, tinh thần “bứt phá”, nhất là trong tổ chức thực hiện ở mọi ngành mọi cấp, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phải tạo động lực và áp lực trách nhiệm lên từng cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong năm 2019.
Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh từ những việc nhỏ và có hiệu quả lớn
Phóng viên: Vậy thưa Phó Thủ tướng, chúng ta nên tập trung bứt phá ở lĩnh vực gì và làm như thế nào để chắc chắn mục tiêu về đích?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp với 45 nhóm nhiệm vụ cụ thể và 188 đề án, nhiệm vụ lớn. Trong năm 2019, có mấy vấn đề Chính phủ nhấn mạnh hơn, đó là: phát huy vai trò động lực của công nghiệp xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ. Trong đó, đặc biệt phải hết sức chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để triển khai các giải pháp, tận dụng mô hình của cách mạnh công nghiệp 4.0. Tiếp tục làm tốt hơn nữa lĩnh vực tam nông, đồng thời phải đẩy mạnh vai trò động lực của các đô thị và vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM – tiếp tục phải là đầu tàu của cả nước. Thực hiện thí điểm đô thị thông minh, đô thị xanh.
Chính phủ cũng xác định bứt phá phát triển hạ tầng viễn thông, internet băng rộng, triển khai mạng di động 5G. Đặc biệt, năm 2019 chúng ta cũng kỳ vọng và chờ đợi sự phát triển bứt phá của các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ có giá trị gia tăng cao như logistic, tài chính ngân hàng, các dịch vụ văn hoá, vui chơi, giải trí.
Năm 2019, cũng là năm Chính phủ sẽ triển khai mạnh mẽ việc thí điểm các mô hình thanh toán mới, phát triển mạnh mẽ các công nghệ tài chính (Fintech). Chúng ta hi vọng sẽ có sự bùng nổ trong thanh toán bằng điện thoại di động hoặc thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ là kết nối giữa ví điện tử và tài khoản ngân hàng mà còn nghiên cứu để kết nối ví điện tử với các tài khoản viễn thông. Chính phủ cũng chỉ đạo ngành ngân hàng không chỉ gia tăng về tín dụng mà phải phát triển các dịch vụ phi tín dụng có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đó chính là việc áp dụng các mô hình công nghệ mới, thanh toán mới, ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng ta cũng chờ đợi hơn sự bứt phá của các dịch vụ, du lịch, nhất là dịch vụ logistics.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Công Thương phải xây dựng đề án để có thể phát triển bứt phá, trong đó có sự bứt phá của thị trường trong nước, đi đôi với thị trường ngoài nước, thị trường xuất khẩu. Cùng với đầu tư công, phải tăng cường giải ngân, tăng cường cầu tiêu dùng ở trong nước. Chính phủ đặt mục tiêu phải tăng trưởng trên 12% tổng mức hàng hoá bán lẻ ở trong nước. Trên cơ sở áp dụng mô hình thanh toán mới và ngân hàng số thì dịch vụ bán lẻ, nhất là trực tuyến (online) sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới và đẩy mạnh hơn các cơ sở hạ tầng về thương mại, nhất là chợ nông thôn, chợ đầu mối. Ngoài ra, tăng cường triển khai đề án OCOP - mỗi xã một sản phẩm, tập trung cho 2.400 sản phẩm của nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Cùng với cuộc cách mạng 4.0 và cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, phương châm như Thủ tướng nhấn mạnh là “phải nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh nhưng phải bắt đầu từ những việc nhỏ và có hiệu quả lớn”. Nếu chúng ta tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cả về phía Chính phủ và doanh nghiệp thì sẽ tạo được sức sống mới cho nền kinh tế trong năm 2019. Đây cũng là dư địa cho nền kinh tế trong những năm tiếp theo.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ./.