Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 9/3 tăng đáng kể so với kỳ tính giá ngày 25/2.
Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 71,21 USD/thùng, xăng RON 95 là 72,81 USD/thùng, cùng tăng hơn 5% so với kỳ trước. Riêng xăng RON 95 có thời điểm lên hơn 76,39 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 6/1/2020.
Tương tự, giá dầu cũng biến động đi lên, dầu hỏa có ngày chạm mức 71,02 USD/thùng.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết giá xăng thế giới những ngày qua tiếp tục tăng. Nếu không tác động đến quỹ bình ổn, ở kỳ điều hành ngày 12/3, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 570 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 690 đồng/lít.
Trong khi đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel có khả năng tăng 300 đồng/lít; dầu hỏa tăng 270 đồng/lít và dầu mazut tăng 350 đồng/kg.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ hai liên tiếp sau khi được giữ nguyên trước Tết Nguyên đán. Thời gian qua (kể từ ngày 11/11/2020), giá xăng E5 RON 92 đã tăng tổng cộng 3.146 đồng/lít, với xăng RON 95 là 3.383 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể tăng ít hơn. Tuy nhiên, chuyên gia không nghiêng về phương án này bởi mức chi quỹ bình ổn giá xăng dầu đang cao (với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 2.000 đồng/lít, xăng RON 95 là 1.150 đồng/lít).
Hiện tại, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 trên thị trường ở mức 17.031 đồng/lít, với xăng RON 95 là 18.084 đồng/lít, cao nhất 1 năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, riêng quý cuối cùng của năm 2020, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước đã tiến hành trích lập tổng cộng 794 tỷ đồng vào quỹ bình ổn giá xăng dầu, chỉ bằng 1/2 so với số trích lập quý liền trước.
Trong khi đó, tổng số tiền quỹ bình ổn đã chi ra trong thời gian này (từ 1/10/2020 đến 31/12/2020) là 1.614 tỷ đồng, cao hơn so với mức trên 1.500 tỷ đồng quý III/2020.
Với chênh lệch trích lập - sử dụng như trên, tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đến cuối năm 2020 đạt 9.235 tỷ đồng, giảm hơn 800 tỷ đồng so với mức cao kỷ lục từng ghi nhận được hồi cuối quý III/2020.
Ngoài ra, với số chi hơn 1.600 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2020, bình quân mỗi ngày quỹ bình ổn giá xăng dầu đều phải chi ra gần 18 tỷ đồng cho hoạt động bình ổn giá mặt hàng thiết yếu nói trên.
Tính chung cả năm 2020, mức chi quỹ bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp vào khoảng gần 3.800 tỷ đồng, tương đương mức chi hơn 10 tỷ đồng/ngày trong cả năm. Năm 2019 trước đó, tổng số tiền quỹ đã chi ra để bình ổn giá xăng dầu trong nước vào khoảng 8.000 tỷ đồng, tương đương 22 tỷ/ngày.