Từ 13/4, giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm tiếp hơn 600 đồng/lít; dầu hỏa, dầu diesel giảm hơn 400 - 500 đồng/lít. Như vậy, cả hai lần điều chỉnh trong nửa tháng, giá xăng giảm gần 5.000 đồng/lít, chỉ còn gần một nửa so với 6 tháng trước.
Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau quả vẫn neo ở mức cao.
Giá thịt heo thời gian gần đây đã trở thành nỗi bức xúc của cả người dân lẫn cơ quan có thẩm quyền vì càng kéo xuống thì càng được đẩy lên trời.
Ngày 18/4, giá lợn tại một số chợ truyền thống như: chợ Hôm, Kim Liên, Đống Đa, Định Công, Thành Công..., giá thịt lợn vẫn ở mức từ: 170.000- 190.000 đồng/kg.
|
Dù giá xăng giảm sâu nhưng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn tăng cao. |
Ngoài thịt lợn, nhiều thực phẩm tươi sống khác như: thịt gà, thịt bò cũng neo ở mức cao và không có dấu hiệu giảm giá khi xăng giảm. Cụ thể: thịt gà 110.000 đồng/kg, vịt: 80.000 đồng/kg, trứng gà: 4.000 đồng/quả, trứng vịt: 3.500 đồng/quả...Bên cạnh đó, rau xanh cũng là mặt hàng giữ giá cao như: rau muống: 7.000 đồng/mớ; cải xanh: 6.000 đồng/mớ; bắp cải: 10.000 đồng/kg...
Chị Ngọc Bích, tiểu thương bán gà tại chợ Nam Trung Yên cho rằng, dù xăng giảm nhưng hàng hoá vẫn cao vì đang trong thời gian dịch bệnh, nguồn hàng hạn chế.
Ông Vũ Vĩnh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị phân tích, trên thị trường hiện nay, tuy giá lợn hơi của một số công ty chăn nuôi lớn đã hạ xuống 70.000đ/kg nhưng vẫn còn đem lại một khoản lợi nhuận rất lớn cho họ bởi giá thành chăn nuôi lợn hiện nay chỉ khoảng 43.000đ/kg. Mỗi con lợn lãi 2.000.000 – 3.000.000đ. Trong giai đoạn hơn 1 tháng nay, các công ty chăn nuôi đã thu lãi hàng nghìn tỷ đồng chênh lệch giá một cách vô lý.
“Mặc dù giá lợn hơi có giảm đôi chút song nghịch lý là giá bán lẻ từ mùng 3/4/2020 – 9/4/2020 vẫn đứng yên ở mức cao và có ngày lại tăng lên một mức cao hơn. Việc hạ giá nhỏ giọt trong khi khoảng chênh lệch giá còn rất lớn của lợn hơi đã không có những tác dụng mạnh vào giá bán lẻ ở chợ và siêu thị. Những đề xuất có vai trò rất quan trọng về việc đưa mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá của các cơ quan thống kê, vật giá và thuế vẫn chưa được chấp nhận, nếu không đưa vào luật định thì thực tế rất khó để kiểm soát giá từ khâu chăn nuôi tới khâu bán lẻ trên thị trường hiện nay”, ông Phú nói.
Theo ông Phú, nghịch lý về giá thịt lợn cao ngất ngưởng vẫn chưa được giải quyết một cách tận gốc và có tác dụng thiết thực với người tiêu dùng xã hội trong mấy tháng nay, nhất là trong những lúc chi tiêu đang còn những khó khăn là một dấu hỏi lớn của dư luận cần được giải đáp một cách thấu đáo và bằng những hành động cụ thể trên thị trường tiêu dùng thịt lợn.
Ông Trần Duy Khanh, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, một mcon gia cầm đi từ trang trại đến khâu bán lẻ, phải qua 4-5 khâu bao gồm: người mua gom hưởng khoảng 21%, người giết mổ hưởng 6%-10%, người bán buôn tới chợ lẻ hưởng 40% và cuối cùng là hộ kinh doanh lẻ hưởng 35% - 40%.
"Đây chính là thêm một nguyên nhân nữa để đẩy giá gia cầm và các loại trứng tăng lên gấp 2 -3 lần so với giá xuất chuồng ở khâu phân phối. Rõ ràng khâu này đã đẩy giá gia cầm lên 1 mức khá cao làm cho thị trường tiêu thụ sẽ bị chậm lại và người tiêu dùng lại bị móc túi một phần vô lý trong chuỗi sản xuất chăn nuôi bán lẻ của mặt hàng này", ông Khanh nói.
Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
So sánh tốc độ tăng CPI tháng 3 so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,69%; 4,65%; 2,66%; 2,7%; 4,87%. Tốc độ tăng CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,25%; 4,96%; 2,82%; 2,63%; 5,56%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dù giá xăng giảm nhưng các mặt hang lương thực, thực phẩm vẫn tăng cao, đặc biệt là thịt lợn khiến CPI trong tháng tiếp theo khó giảm.