Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia vừa có văn bản yêu cầu các bộ Tài chính, Công an, Công Thương, NN&PTNT, Quốc Phòng và BCĐ 389 các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai và các địa phương tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời tăng cường quản lý thị trường nội địa, nhất là các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TP.HCM tăng cường kiểm soát để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh, buôn bán cá tầm: nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gian lận thương mại....
Chỉ đạo này được BCĐ 389 quốc gia thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về những thông tin báo chí nêu thời gian qua về việc nhập khẩu và kinh doanh cá tầm.
Cá tầm trong nước cạnh tranh khốc liệt với cá tầm Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Dũng /TTXVN
Trước đó, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho hay, thời gian gần đây nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của cá tầm Trung Quốc. Lượng nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán quá thấp chỉ bằng 2/3 giá cá tầm trong nước.
Khi vào Việt Nam có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc vào cá tầm nuôi tại Việt Nam. Người tiêu dùng không phân biệt được, tạo hiện tượng lừa dối khách hàng, cạnh tranh không công bằng.
Cá tầm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam dù có giá thành rẻ nhưng chất lượng kém, thịt nhão, không thơm ngon như cá tầm nuôi tại Việt Nam. Đồng thời quan sát hình dạng bên ngoài khác nhiều so với các loài cá tầm đang nuôi tại Việt Nam.
Trong khi đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19 cá tầm tại các trang trại Việt Nam đang tồn dư rất lớn. Việc cá tầm Trung Quốc ào ạt nhập vào Việt Nam với giá thấp đang dẫn đến cá tầm nuôi tại các trang trại Việt Nam càng không tiêu thụ được.
Những DN, hộ nông dân nuôi cá tầm gặp rất nhiều khó khăn do cá không bán được nhưng chi phí thức ăn, con giống, nhân công vẫn tiếp tục phải chi trả.
Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt cá tầm nhập lậu.vẢnh: Web BCĐ 389
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ sản xuất cá tầm trong nước, giúp nghề nuôi cá tầm sản xuất hiệu quả và bền vững, Hiệp hội kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chức năng các tỉnh thành Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh biên giới phía Bắc có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, tăng cường quản lý đối với cá tầm tươi sống Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam lưu thông trên thị trường không có nguồn gốc, không qua kiểm dịch động vật. Đề nghị các ngành có biện pháp tịch thu, tiêu hủy và có hình thức xử phạt doanh nghiệp nhập lậu cá tầm theo quy định như rút giấy phép kinh doanh…
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ trình tự, thủ tục hồ sơ pháp lý và thành phần loài cá tầm nhập khẩu để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng sản xuất trong nước với cá tầm Trung Quốc.
Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các lô cá tầm nhập khẩu theo quy định để kiểm soát các chất tồn dư trong cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng…