Phim trường đám cưới hàng chục tỷ đồng đắp chiếu cả năm

Google News

Bỏ ra 30 tỷ đồng để xây dựng, giờ đây, anh V. xót xa nhìn phim trường đám cưới của mình nằm đắp chiếu từ ngày này đến ngày khác, dù tiền phát sinh mỗi lúc một tăng.

Qua 3 đợt COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, không chỉ nhà hàng, khách sạn chịu ảnh hưởng nặng nề mà các dịch vụ cưới hỏi cũng bị đình trệ, khiến phim trường chụp ảnh cưới gần như "đắp chiếu". Đáng lo hơn là không biết đến bao giờ tình cảnh này mới chấm dứt, khi dịch bệnh vẫn chưa hạ nhiệt.

Ồ ạt hủy, hoãn cưới "né" COVID-19

Tâm sự với VTC News, anh Đ.V. - chủ một địa điểm kinh doanh các dịch vụ đám cưới, chụp ảnh, tour tham quan dã ngoại ở Hà Nội- cho biết, đến khi COVID-19 bùng phát lần thứ 3 ở Việt Nam thì cơ sở của anh thực sự "khó gượng dậy nổi". Tuy nhiên, theo anh V., anh "ngấm đòn" từ đợt trước đó và chỉ có thể cố cầm cự khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào đầu năm 2020.

"Doanh nghiệp của tôi đã phải trải qua hơn 1 năm bão tố. Chỉ 1 năm thôi nhưng tình hình ảm đạm kéo dài như cả thập kỷ khiến bao thành quả, vốn liếng đều đổ xuống sông, xuống biển. Mỗi khi COVID-19 tạm thời được kiểm soát, chúng tôi phải xây lại từ đầu, gắng gượng khắc phục hậu quả. Nhưng chưa kịp phục hồi thì đã lại phải chịu trận. Không biết dịch bệnh còn kéo dài bao lâu", anh V. nói.

Anh V. vốn là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đám cưới, bao gồm từ chụp ảnh đến trang điểm cô dâu, chú rể, xe hoa và cả tổ chức tiệc ăn uống. Cơ sở của anh từng có 3 năm hoạt động nhộn nhịp, doanh thu lớn nhưng mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn hơn ngay từ đợt dịch COVID-19 đầu tiên.

Dịch bệnh bùng phát khiến người dân e ngại tụ tập đông người, chưa kể quy định giãn cách xã hội khiến khách hàng ồ ạt hoãn, thậm chí hủy cưới.

"COVID-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người. Khách hàng của tôi dần dần chuyển sang cắt bớt những thủ tục phụ, tốn kém, có người chỉ tổ chức trong phạm vi nhỏ hẹp, thậm chí hủy kế hoạch đã lên lịch từ trước. Từ việc đón hàng trăm khách hàng mỗi tuần, đến nay, mỗi tuần chỉ lác đác vài khách. Chưa kể mỗi khi giãn cách xã hội, chúng tôi phải đóng cửa hàng tuần liền", anh V. chua chát kể.

Hơn 1 năm COVID-19 xuất hiện, số lượng đám cưới bị ảnh hưởng tại cơ sở của anh V. là… khó có thể tính hết. "Mỗi năm có hai mùa cưới, mỗi mùa có đến hàng trăm khách hàng , mỗi ngày sẽ có hàng chục cô dâu chú rể book lịch chụp ảnh", anh nhẩm tính.

Anh V. kể nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi tổ chức đám cưới cho khách hàng giữa mùa COVID-19 quái ác: "Lịch cưới được sắp xếp trước cả tháng, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng nhưng đùng một cái, trước ngày cưới thì Hà Nội có lệnh giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 khiến cả chủ lẫn khách hàng bất đắc dĩ đều phải hủy. Khách có hẹn tôi khi nào dịch bệnh hết sẽ bố trí đến chụp ảnh cưới bù. Nhưng tình hình dai dẳng thế này, khách khi được gọi điện mời cũng từ chối vì đã sinh con nhỏ, cuộc sống bận rộn hơn, lại phải chi tiêu tiết kiệm".

Phim truong dam cuoi hang chuc ty dong dap chieu ca nam

Nhiều địa điểm phim trường chụp ảnh cưới tại Hà Nội thất thu vì COVID-19. (Ảnh minh họa)

Anh V. cho biết thêm, tình hình kinh doanh ế ẩm, khó khăn khiến anh nhiều lần phải tạm thời giải tán nhân viên của mình. Thiếu nhân viên chăm sóc, trông coi, nhiều khu vực trong phim trường trước kia vốn rất đẹp nay trở nên tiêu điều, thậm chí là xuống cấp. Mỗi một tiểu tiết trong phim trường thường được sắp đặt, trang trí, chăm sóc rất tỉ mẩn để hút mắt khách đến nay nhiều hạng mục chịu cảnh vứt xó, dãi nắng dầm mưa và không thể "đẻ ra tiền". 

"Chỉ cần không khai thác vài ngày thôi là nhiều quang cảnh đã xuống cấp, thế mà chúng tôi đã liên tục phải "đắp chiếu" kéo dài. Mỗi ngày như thế là mỗi ngày chúng tôi như ngồi trên đống lửa, xót xa vì tiếc của nhưng cũng không biết làm sao, chỉ thầm mong dịch bệnh sớm chấm dứt", anh V. buồn bã nói.

Tiền "bốc hơi" hàng ngày

Do COVID-19, hoạt động kinh doanh giảm đến 90%, hiện nay, nhân sự làm việc tại các cơ sở kinh doanh của anh V. cũng đã giảm hơn một nửa. Đó là con số mà anh đã rất cố gắng để duy trì với mong muốn những người gắn bó lâu năm với mình không bị thất nghiệp. Dù vậy, số nhân công làm việc hiện nay vẫn lên đến khoảng 70 người. “Riêng tiền lương mỗi tháng để chi trả cho nhân công đã là cả một vấn đề rất lớn, trong khi tiền thu về thì từ lâu đã rất nhỏ giọt, thậm chí nhiều thời điểm là không có”, anh nói.

Anh V. còn có một studio áo cưới đặt tại một tòa nhà lớn trên tuyến phố trung tâm Hà Nội. Trước đây, tiền mặt bằng mỗi tháng là 150 triệu đồng, giờ đây, chủ đầu tư giảm xuống còn 75 triệu đồng/tháng, nhưng với anh đó vẫn là một gánh nặng khiến “mỗi ngày mở mắt là một ngày đau đầu vì tiền bốc hơi nhanh chóng mặt”.

“Đợt bùng phát thứ 3 của COVID-19 rơi vào đúng mùa cưới, khách đặt lịch rồi phải hoãn, hy vọng ra Tết có thể thực hiện. Cuối cùng thì nhiều người đành phải hủy hoặc chuyển sang kế hoạch khác vì dịch vẫn diễn biến quá phức tạp. Cố mời cưới cũng khó dự tính được chính xác lượng khách tham dự, mà khách không đến, mâm cỗ bàn ghế thừa ra thì biết xử lý thế nào? Chắc phải mất thêm mấy tháng nữa, đến hết tháng 7 âm lịch may ra các chương trình cưới hỏi mới rộ trở lại. Đấy là nếu dịch bệnh không tái phát. Điều đó đồng nghĩa với việc mấy chục con người ở công ty phải ngồi chờ việc, hoạt động kinh doanh chỉ ở mức cầm chừng", anh V. nói.

Để đầu tư vào phim trường, anh V. và các cổ đông phải bỏ ra số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng trong năm đầu tiên xây dựng. Sau đó, trong quá trình khai thác, anh tiếp tục dốc tiền để mở rộng thêm các hạng mục dịch vụ, số tiền vì thế đã được đội lên rất nhiều. Anh V. cho biết, sau 2 năm làm ăn có lãi, đắt khách, anh và bạn bè đã thu hồi được vốn, thậm chí sinh lời cao. Nhưng chỉ 1 năm kinh doanh thất bát, số tiền để ra đã cạn, chưa kể anh phải quay sang vay vốn trở lại để kinh doanh cầm cự trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Hoạt động của cả công ty anh V. hiện nay gần như đóng băng, trong khi các chi phí để duy trì vẫn phải trả. Người lao động, nếu có cũng chỉ hiểu được một phần, “còn gánh nặng, trách nhiệm vẫn phải là mình hết. Tôi rất mệt và áp lực”, anh V. tiết lộ tiền lãi ngân hàng hiện nay anh đang phải gánh cũng lên đến gần 100 triệu đồng/tháng.

Anh V không ngần ngại đưa PV xem tin nhắn từ một ngân hàng. Dịch vụ lãi suất hàng tháng vừa thông báo tài khoản của anh bị trừ đi số tiền hơn 20 triệu đồng. Tài khoản ngay lúc đó của anh chỉ còn lại vẻn vẹn 4 triệu đồng. Và theo anh V, đây mới chỉ là một tài khoản ngân hàng của một khoản lãi suất mà thôi. “Vẫn còn nhiều tài khoản nữa có thể 1-2 ngày tới họ cũng sẽ báo”, anh V. chua chát nói.

Điều anh V. lo lắng nhất là trong mấy tháng tới, số tiền để trang trải chi phí để duy trí hoạt động sẽ không biết lấy từ đâu. “Phim trường để đó nhưng lương nhân viên vẫn phải chi trả đều, nếu có chậm thì cũng chỉ tính bằng ngày chứ không thể kéo dài cả tháng được. COVID-19 hiện có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng vẫn rình rập, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Chính tâm lý nơm nớp lo này khiến chúng tôi rất khó để kinh doanh. Vì nếu có đầu tư nhiều mà dịch quay trở lại thì lỗ càng thêm lỗ”.

Để thích nghi với COVID-19, anh V. cho biết sẽ tập trung để thực hiện công tác số hóa các dịch vụ. Chạy lại page, đầu tư cho kinh doanh online, chia nhỏ các gói dịch vụ để khách hàng có thể tiếp cận dễ hơn. “Thậm chí chúng tôi sẽ đưa ra những gói dịch vụ mà chỉ có trong mùa COVID-19”, anh V tiết lộ.

Theo VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)