Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Những ngày đầu năm mới 2024, chúng tôi có dịp đồng hành cùng cán bộ hội nông dân đến tham quan vườn nhãn của anh Vũ Văn Thiệu, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đúng lúc gia đình anh đang tất bật thu hái đưa đi tiêu thụ. Anh Thiệu khoe hôm nay thu hoạch được khoảng 400kg.
Nhìn những chùm nhãn trĩu quả, to tròn, lần lượt được cắt đưa vào giỏ, ai ấy đều thích thú.
Trao đổi với chúng tôi, anh Thiệu cho biết, nhiều năm gắn bó với mảnh đất Ea Ly, trước khi trồng nhãn, anh đã thử sức trồng cà phê, mía, tiêu, sắn… nhưng hiệu quả không cao.
Cách đây 3 năm, được sự định hướng của chính quyền địa phương và qua tìm hiểu, anh Thiệu nhận thấy cây nhãn phù hợp với chất đất và điều kiện khí hậu ở đây nên bàn với gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Anh tìm đến một vài mô hình trồng nhãn cho hiệu quả cao ở các tỉnh phía Nam để học hỏi kinh nghiệm và mua gần 750 cây nhãn giống về trồng trên diện tích 1,5ha.
Mỗi cây nhãn trong vườn của anh Vũ Văn Thiệu ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho thu hoạch hơn 22kg trái sau 3 năm trồng. Ảnh: KHÁNH VY.
Thời gian đầu, cây nhãn ra trái bói theo đúng thời vụ tự nhiên, trái ít, chất lượng chưa cao. Anh Thiệu lại tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về đặc tính cây trồng này để xử lý cây cho trái trái vụ, ngọt thanh, được khách hàng ưa chuộng.
“Hiện tôi đang thu hoạch vụ đầu tiên sau gần 3 năm trồng nhãn, sản lượng ước đạt 15-16 tấn (bình quân 22kg/cây), giá bán hiện tại 25.000 đồng/kg, sau trừ chi phí, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng”, anh Thiệu phấn khởi nói.
Nhân rộng, phát triển thành sản phẩm OCOP
Theo anh Thiệu, cây nhãn có nhiều ưu điểm như: chịu hạn tốt, sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc và công đầu tư không cao. Trước khi trồng nên làm sạch cỏ dại và đào hố xung quanh với kích thước 50x50x50cm, cây cách cây từ 3,5-4m.
Để cho nhãn xanh tốt, sau khi thu hoạch, người trồng cần tỉa cành, bỏ những cành già, tạo tán cho cây. Khi nhãn ra trái non, nông dân phải chú ý phòng trừ sâu, bọ xít, bón phân theo định kỳ để cây kháng được bệnh.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh Thiệu cho biết: “Gia đình tôi mới trồng thêm 1.000 cây. Tôi tận dụng không gian đất trồng xen cây cà chua, ớt để tăng thu nhập trong thời gian chờ cây nhãn sinh trưởng.
Để tìm kiếm các kênh tiêu thụ ổn định và nâng cao giá trị của sản phẩm nhãn, Hội Nông dân xã Ea Ly cùng chính quyền địa phương đang hướng dẫn các thủ tục để tôi đăng ký tham gia chương trình OCOP”.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Thiệu còn nhiệt tình giúp đỡ và tư vấn cho nhiều hộ dân trồng nhãn trong vùng về kỹ thuật xử lý ra hoa và để trái.
Chị Kpắ Hờ Lem ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly nói: “Trước đây, vườn nhãn của gia đình tôi ít ra trái mà chỉ toàn ra đọt. Nhờ anh Thiệu hướng dẫn kỹ thuật trồng và xử lý ra hoa nên vụ này trái rất đạt, dự kiến thu hoạch trên 1 tấn”.
Ông Võ Tấn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ly (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho biết: Anh Vũ Văn Thiệu là một trong những nông dân có tư duy nhạy bén về phát triển kinh tế. Không những làm giàu cho gia đình mà anh còn đem kiến thức chia sẻ cho nhiều nông dân khác cùng phát triển.
Mô hình trồng nhãn của gia đình anh được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, là bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng giúp hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cũng theo ông Bảy, sắp tới, hội sẽ tổ chức thành lập chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái tại địa phương để hội viên được hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea ly: Hiện xã Ea Ly có khoảng 869ha cây ăn trái, nhiều loại đem lại hiệu quả rất cao, trong đó có mô hình trồng nhãn của anh Vũ Văn Thiệu.
Thời gian tới, Hội tiếp tục vận động các hộ trồng nhãn trong xã mở rộng diện tích để đảm bảo yêu cầu trong việc đề nghị hỗ trợ giống cây ăn trái giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh Phú Yên.