Hội nghị sẽ diễn ra tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước, với sự tham dự của lãnh đạo một số doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản.
Trước đó, chiều 6/2, các ngân hàng thương mại đã họp với Ngân hàng Nhà nước để báo cáo tình hình cho vay bất động sản và bàn cách tháo gỡ cho tín dụng bất động sản. Cuộc họp này nhằm mục đích chuẩn bị cho hội nghị sáng nay.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước có cuộc gặp chính thức với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe ý kiến, đề xuất nhằm nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp sau những biến động về kinh tế. Mục tiêu là để tháo gỡ vướng mắc giữa thị trường bất động sản với ngành ngân hàng, hướng đến việc đưa thị trường bất động sản về với giá trị thực, giúp ổn định kinh tế.
Các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng việc đối thoại trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước lần này sẽ mang đến giải pháp cụ thể, khiến nguồn tín dụng cho thị trường nhà đất khởi sắc.
Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của Ngân hàng Nhà nước được tổ chức sáng.
Những động thái trên chứng tỏ ngành ngân hàng đang khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua. Trước đó, tại cuộc gặp mặt đầu Xuân 2023 với ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2023, nhằm gỡ khó cho nhiều lĩnh vực có liên quan khác như trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo trong tháng 2 phải tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý theo thẩm quyền để đôn đốc, hướng dẫn; trường hợp vượt thẩm quyền trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, nhằm tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản.
Các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có liên quan được yêu cầu chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán... phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những người có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
Báo cáo về thị trường bất động sản quý IV và năm 2022 của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản xấp xỉ 800.000 tỷ đồng. Vào cuối năm 2021, con số này xấp xỉ là 700.000 tỷ đồng.