Dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp lữ hành và nhóm nhà hàng khách sạn ở Việt Nam đã trở nên kiệt quệ vì đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra.
Việt Nam đã ngừng hoạt động đón khách du lịch quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước. Tuy nhiên thị trường du lịch trong nước sau đó cũng bị ảnh hưởng vì các đợt giãn cách xã hội do đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Nhiều Công ty lữ hành, nhóm nhà hàng khách sạn lại nhanh chóng “cửa đóng then cài", ngưng phục vụ một số tiện ích; nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ chờ dịch sớm kiểm soát để khởi động lại cho mùa cao điểm du lịch sắp tới.
|
"Thiên đường" du lịch đảo Phú Quốc. |
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế cũng như du lịch trong nước sụt giảm nghiêm trọng so với trước khi dịch bệnh xuất hiện. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 5/2021 ước tính đạt 13,4 nghìn lượt người, giảm 30,8% so với tháng trước và giảm 40,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 50,5 nghìn lượt người, giảm 98,3%; bằng đường bộ đạt 30,3 nghìn lượt người, giảm 94,5%; bằng đường biển đạt 193 lượt người, giảm 99,9%.
Ước tính doanh thu du lịch lữ hành tháng 5/2021 đạt 387 tỷ đồng, giảm 53,5% so với tháng trước và giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước.
Than thở với báo chí, lãnh đạo một chuỗi khách sạn 4-5 sao ở TP.HCM cho biết, ngay khi dịch bùng phát, 90% sự kiện của các doanh nghiệp bị hoãn. Trước khi dịch quay lại, nhiều khách sạn trong hệ thống phải chịu lỗ 2-4 tỷ đồng/tháng để duy trì mở cửa.
Du lịch có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế quốc gia, đối với Việt Nam, ngành du lịch hiện nay được xem như là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư, không ngừng phát triển. Đứng trước bối cảnh hiện nay, để tăng "sức đề kháng" cho ngành du lịch, cũng như các cơ sở lưu trú, các cơ quan chức năng đã triển khai rất nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại phiên họp ngày 11/6, sau khi nghe đại diện Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch COVID-19 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ý kiến của các cơ quan, để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, Bộ Chính trị yêu cầu không để gián đoạn sản xuất, nghiên cứu cho thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc xin” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang.
“Hộ chiếu vắc xin” là một trong những giải pháp được kỳ vọng để Việt Nam tính toán mở cửa biên giới một cách nhanh chóng, an toàn. Khi hộ chiếu vắc xin được triển khai nhiều chuyên gia dự báo, chắc chắn các doanh nghiệp lữ hành và nhóm nhà hàng khách sạn trong nước sẽ nhanh chóng “lột xác”.
Trước đó, bày tỏ niềm vui mừng khi “hộ chiếu vắc xin” được xem xét, ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Viet Foot Travel - một trong những Công ty đang đẩy mạnh việc đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam khẳng định: "Hộ chiếu vắc xin có thể tạo nên cú hích cho ngành du lịch khi được áp dụng rộng rãi trong tương lai”.
Hiện nhiều quốc gia đã và đang triển khai "hộ chiếu vắc xin", để công dân đã tiêm chủng có thể đi du lịch và tự do đi lại ở những nơi công cộng mà không cần phải cách ly.
“Hộ chiếu vắc xin" COVID-19 cho phép người dân theo dõi lịch sử tiêm chủng của bản thân hoặc các thành viên trong gia đình qua các lần tiêm; sau khi tiêm được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận. Cùng với đó, nhân viên ngành Y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng cho người dân thuộc diện tiêm chủng lên hệ thống phần mềm.
Cơ quan quản lý nắm bắt thông tin, số liệu để phục vụ việc triển khai chương trình tiêm vắc xin COVID-19 và cung cấp công cụ giám sát thông tin người đã tiêm vắc xin COVID-19.
Tính đến 16 giờ ngày 11/6/2021, Việt Nam đã có thêm 31.071 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 23 tỉnh/thành phố.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ.