Đồng Tháp: Phát hiện cơ sở kinh doanh máy thuốc lá điện tử nhập lậu

Google News

58 máy hút thuốc lá điện tử có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc đã bị Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp lập biên bản, thu giữ.

Qua công tác theo dõi, nắm tình hình hoạt động kinh doanh hàng hóa trên nền tảng facebook, ngày 3/8, Đội Quản lý thị trường số 1 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công an TP Sa Đéc tiến hành kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh thuốc lá điện tử VAPE S.Đ (địa chỉ tại đường Nguyễn Tất Thành, khóm Tân Thuận, phường An Hòa, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), đồng thời kinh doanh qua mạng xã hội Facebook với tên “Vape Sa Đéc”.
Dong Thap: Phat hien co so kinh doanh may thuoc la dien tu nhap lau
 Đồng Tháp: Phát hiện cơ sở kinh doanh máy hút thuốc lá điện tử nhập lậu. Ảnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại hộ kinh doanh nêu trên đang bày bán hàng hóa là máy hút thuốc lá điện tử có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc với số lượng 58 cái, có tổng trị giá là hơn 20 triệu đồng.
Qua làm việc, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng hóa đang kinh doanh theo quy định. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ tang vật nêu trên, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định.
Liên quan đến việc ngăn chặn hàng gian, hàng giả qua thương mại điện tử, thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tục vào cuộc đấu tranh trấn áp các hoạt động gian lận thương mại trên môi trường điện tử, phát hiện hàng nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng và thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ ra khỏi sàn thương mại điện tử.
Hiện nay, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đã bổ sung một số các quy định mới về thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử. Ngoài ra, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên sàn; quản lý người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam...
Bên cạnh đó, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP cũng đã bổ sung nhiều chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử quy định trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Thông tin trên báo chí, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, khung pháp lý cho thương mại điện tử cơ bản đã tương đối đầy đủ, hỗ trợ tốt cho việc quản lý cũng như đấu tranh chống hàng giả, góp phần minh bạch thị trường thương mại điện tử.
Để gỡ khó cho hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối với Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan cũng đã kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử; xây dựng bộ tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.
Hữu Hậu

>> xem thêm

Bình luận(0)