Vẫn còn khoảng trống pháp lý về xuất xứ
Chiều 2/1, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian gần đây, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá hóa Việt Nam đưa từ nước ngoài vào thị trường trong nước có xu hướng gia tăng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2019, qua công tác kiểm tra của lực lượng hải quan, phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam gồm các loại hàng hóa tiêu dùng, điện tử, quần áo có tờ khai là hàng Trung Quốc nhưng thực tế kiểm tra hàng hóa này lại là sản phẩm dán mác Made in Vietnam; Có trường hợp sản phẩm có giấy bảo hành, tên doanh nghiệp và địa chỉ sản xuất đều ghi xuất xứ tại Việt Nam.
|
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Dẫn chứng về vụ việc Asanzo thời gian qua là một điển hình cho một trong số những hành vi gian lận xuất xứ này đã bị phát hiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, hiện nay vẫn còn khoảng trống pháp lý về quy định xuất xứ, hoặc có luật, Nghị định, thông tư quy định nhưng lại chồng chéo khiến chế tài phát hiện và xử lý tình trạng này còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Cẩn cũng cho rằng, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để lợi dụng ưu đãi thuế quan.
Đồng thời dẫn ví dụ vụ việc Tổng cục Hải quan đã phối hợp với cơ quan điều tra Bộ Công an ngăn chặn Công ty nhôm Toàn cầu tại Vũng Tàu, trị giá hàng hóa lên đến 4,5 tỷ USD.
Nhóm máy móc thiết bị, lực lượng Hải quan đã bắt giữ 40 nghìn sản phẩm xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp trẻ em có 100% linh kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, khi kiểm tra nhà xưởng chỉ có 35 công nhân lắp ráp đơn giản đã biến thành hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Qua xử lý, lực lượng Hải quan đã kiến nghị thu hồi C/O Việt Nam.
“Hàng nước ngoài thành phẩm và bán thành phẩm, bán ra nước ngoài thì được coi là hàng Việt nhưng tiêu thụ trong nước thì không biết gọi là gì, giống như có khai sinh mà không có họ, gây khó khăn trong quản lý, nên đề nghị sớm sửa thông tư”, ông Cẩn nói.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cũng kiến nghị, trong quý I/2020 này, các bộ, ngành sớm tiến hành rà soát quy định, tránh tình trạng khi phát sinh vụ việc, hành vi lại gây bối rối cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, xem xét quy định về tự khai, tự chứng nhận xuất xứ để công tác phát hiện, xử lý, triệt để kịp thời.
“Nếu bộ ngành có sự thống nhất cao và phân cấp quản lý rõ ràng, nhiều hành vi vi phạm về gian lận thương mại có thể được phòng ngừa xử lý hiệu quả và vụ Asanzo không đến mức như vậy", ông Cẩn cho hay.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng nêu rõ tình trạng hàng giả, hàng "nhái" nhập lậu qua biên giới thời gian qua có dấu hiệu gia tăng. Nhiều đối tượng sử dụng các hành vi, thủ đoạn mới như vận chuyển hàng giả Việt Nam ngay từ nước ngoài đưa về nước tiêu thụ.
Do đó, lực lượng quản lý thị trường xác định nhiệm vụ chính và quan trọng nhất trong năm 2020 là đẩy lùi hàng giả, với các kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, xử lý vi phạm gian lận thương mại, điều tra và xử lý mạnh các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng giả tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước.
Điều chuyển người đứng đầu nếu địa bàn xảy ra nhiều hàng hóa thẩm lậu
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần kịp thời đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện bao che, phải xử lý nghiêm, dù đó là ai. Nếu địa bàn nào, hàng hóa thẩm lậu xảy ra nhiều lần thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu.
Thủ tướng nhận định, công tác phòng chống tội phạm, gian lận thương mại, chống hàng giả hàng nhái dù đạt kết quả tích cực, xử lý hàng nghìn vụ, nhất là xử lý nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhưng thực tế diễn ra chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân.
“Tình trạng tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với quy mô lớn và ngày càng tinh vi, manh động hơn. Các băng nhóm tội phạm ngang nhiên lộng hành như ở Đồng Nai. Nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn, tang vật thu hàng tấn ở TPHCM; buôn lậu, vận chuyển hàng chục tấn pháo nổ ở Lạng Sơn; vụ sản xuất hàng chục triệu lít xăng giả ở Đắk Nông…”, Thủ tướng dẫn chứng.
Thủ tướng đặt vấn đề, hàng cấm, nhất là ma túy, hàng giả, hàng kém chất lượng đi đường nào vào Việt Nam, trách nhiệm chúng ta là phải làm rõ, “chứ không phải trên trời rơi xuống, không phải cây kim”. Có nhiều nguyên nhân, theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ quan là chính. Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các tổ chức, phụ trách địa bàn.
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn. Ảnh: Báo Hải quan. |
Chỉ ra tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp như tội phạm ma túy, băng nhóm xã hội đen, phá rừng, buôn bán người, xâm phạm trẻ em, lừa đảo, nhất là lừa đảo trên mạng, đòi nợ thuê, đánh bạc trực tuyến, tội phạm môi trường, cát tặc, kinh doanh hàng giả… Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng này đe dọa sự bình yên của nhân dân, “chúng ta có trách nhiệm ngăn chặn có hiệu quả”.
“Có “cái gì mà lực lượng chức năng không biết, có điều là có làm hay không? Ở địa phương, nhúc nhích thì đã có thông tin rồi”, Thủ tướng nói và đề nghị xem xét thực chất sự phối hợp giữa các lực lượng, sự chia sẻ thông tin.
“Tôi mới nhận được nhiều báo cáo về xử lý buôn lậu, nhiều vụ án lớn thuốc lá, xăng dầu, hàng cấm, buôn bán động vật quý hiếm xảy ra, nhưng không xác định được đối tượng phạm tội. Các đồng chí cần thống kê đầy đủ để phân tích, đánh giá nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu quả thời gian tới”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ, nếu không xử lý hình sự được theo quy định thì phạt kinh tế ở mức tối đa.
Đồng thời, cần đánh giá vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389, 138 ở địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm chưa, nhất là lực lượng chức năng có bảo kê và có tham nhũng tiêu cực không.
Thời gian qua vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một số đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, có lúc có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến hoạt động tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới ở số tỉnh Tây Bắc, phía Bắc, Tây Nam Bộ còn phức tạp.
Việc xử lý sai phạm của một số tập thể, cá nhân để xảy ra tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp kéo dài chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh. Những tồn tại trên đã làm ảnh hưởng tới kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
“Không để tình trạng cơ quan, đơn vị các đồng chí phụ trách có tình trạng tham nhũng. Các đồng chí tưởng người ta không biết à, lót tay phong bì bao nhiêu trong một kiện hàng, ở bến cảng, việc này việc kia.”, Thủ tướng lưu ý và khẳng định, tinh thần xử lý, không để lọt tội phạm, không để oan sai người vô tội, kịp thời truy tố xét xử vụ án lớn.
“Xử lý tin báo tố giác của người dân đúng quy định, kịp thời đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện bao che, phải xử lý nghiêm dù đó là ai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
>>> Mời độc giả xem video Nhiều người té ngửa khi biết sự thật về Asanzo: