Vụ việc thông tin sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2 được quảng cáo là hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, hỗ trợ điều trị viêm, nhiễm, suy kiệt cơ thể…của Công ty Vinaca lại được làm từ bột than tre nứa vẫn khiến dư luận bức xúc. Nhiều người phẫn nộ khi sản phẩm trên được đại diện Bộ Y tế xác định là sản phẩm thực phẩm chức năng giả nhưng doanh nghiệp Vinaca vẫn lọt Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam do một số tổ chức công nhận.
Cụ thể, tháng 10/2017, Công ty TNHH Vinaca được tôn vinh trong lễ tôn vinh danh hiệu: "Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam". Điều đáng nói, giấy Chứng nhận trên lại do Trưởng Ban tổ chức - Viện trưởng Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam) Trần Mai Khanh ký và đóng dấu. Đơn vị đồng tổ chức là Trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và Phát triển thương hiệu.
|
Các viên thuốc "hỗ trợ điều trị ung thư" Vinaca. |
Khi nói về sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2”, chính Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho biết, Bộ Y tế đã vào cuộc và xác định đây là sản phẩm thực phẩm chức năng giả. Tuy nhiên, trên nhãn sản phẩm có ghi hỗ trợ điều trị ung thư gây ảnh hưởng nghiêm trọng và hoang mang cho người dân. Đồng thời khẳng định, đây là cơ sở chưa được cấp phép, sản phẩm cũng chưa được công bố theo quy định.
Ngay thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cũng nói rằng, Tổng cục đã cử lực lượng chức năng phối hợp với Công an Hải Phòng tổ chức điều tra, kết luận làm rõ và bước đầu xác định cơ sở sản xuất này sản xuất thực phẩm chức năng không có giấy phép.
Như vậy, có thể khẳng định, Công ty TNHH Vinaca đã chế ra sản phẩm thực phẩm chức năng giả và cơ sở sản xuất cũng chưa được cấp phép nhưng lý do vì sao Viện trưởng Viện Công nghệ chống làm giả lại tôn vinh một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng giả?
Lý giải việc tôn vinh doanh nghiệp này với báo chí, chính ông Lê Trọng Anh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và Phát triển thương hiệu (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam) cũng có cách trả lời rất hài hước: "Đây là chương trình đánh giá và truyền thông thương hiệu, không phải đánh giá về chất lượng sản phẩm".
Bản thân ông Lê Trọng Anh cũng khẳng định, thời điểm tôn vinh, Vinaca là một doanh nghiệp rất ổn về mọi mặt. “Họ có nhiều chi nhánh, đại lý, mạng lưới rộng lớn. Ngoài ra, Vinaca còn có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp rất tốt".
Lý giải của ông Lê Trọng Anh thật khó chấp nhận khi ông là người đứng đầu một trung tâm thuộc Hiệp hội chống hàng giả. Bởi sự tôn vinh ấy chẳng qua chỉ là nhìn bề ngoài hào nhoáng của một doanh nghiệp mà không quan tâm sản phẩm họ làm ra có đáng để được tôn vinh.Bất kỳ doanh nghiệp này, thương hiệu của họ thường gắn liền với những sản phẩm họ tạo ra. Lý giải như ông Lê Trọng Anh chẳng khác gì người ta chỉ nhìn vào nước sơn mà không cần quan tâm chất lượng gỗ đã hết lời khen ngợi sản phẩm ấy toàn diện, toàn mỹ.
|
Ban tổ chức cho rằng giải thưởng chỉ tôn vinh thương hiệu, còn không đánh giá về chất lượng sản phẩm. Ảnh: NLĐ. |
Trên thực tế, việc vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có nhiều cống hiến là việc rất nên làm để động viên, khuyến khích doanh nghiệp phát triển vì xã hội. Tuy nhiên, việc tôn vinh một doanh nghiệp tạo ra sản phẩm chức năng giả, lừa dối người tiêu dùng thì sự tôn vinh ấy sẽ giúp doanh nghiệp làm ăn phi pháp đánh bóng tên tuổi để tiếp tục lừa đảo hàng nghìn người nghèo khó lâm cảnh tiền mất, tật mang.
Có thể nói, việc tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp khiến các tổ chức thu lợi rất lớn, bởi vậy suốt thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải “bội thực” với việc được các tổ chức chào mời “tôn vinh” với đủ các thể loại giải thưởng từ tôn vinh thương hiệu, tôn vinh sản phẩm, tôn vinh doanh nhân…Đau xót hơn khi có doanh nhân phải nói rằng: “Dù có sản phẩm tốt nhưng không chịu bỏ tiền ra thì còn lâu sản phẩm ấy mới được tôn vinh”. Hệ quả dẫn đến doanh nghiệp mất niềm tin vào những tổ chức uy tín khi được vinh danh sản phẩm chất lượng, người dân mất niềm tin vào doanh nghiệp dù họ được tôn vinh thực sự cho những nỗ lực cố gắng mang đến những sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.
Nếu những đối tượng sản xuất những sản phẩm chức năng giả nhất là thuốc hỗ trợ điều trị ung thư là những kẻ táng tận lương tâm, thì những người cấp giấy chứng nhận, tôn vinh những đối tượng ấy cũng là những người bất lương. Bởi sự “khen không đúng ấy” khiến xã hội chịu nhiều hệ lụy, gây mất niềm tin vào những doanh nghiệp chân chính, những tổ chức chân chính khác, nhất là trong việc trao các giải thưởng, chứng nhận của các tổ chức cho các sản phẩm, thương hiệu liên quan tới dược phẩm.
Nói về việc trao các giải thưởng, chứng nhận cho các sản phẩm, thương hiệu liên quan đến dược phẩm mà không lấy ý kiến chuyên môn như việc tôn vinh Vinaca vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu để đưa ra giải pháp xử lý vấn đề này, có ý kiến chuyên môn đối với các sản phẩm đạt giải thưởng, danh hiệu, để tránh việc người dân lầm tưởng là sản phẩm thật, sản phẩm tốt. “Tôi yêu cầu Bộ Y tế phải có tiếng nói, phải can thiệp, không thể đứng ngoài để những đơn vị tổ chức giải thưởng lý luận là chỉ công nhận thương hiệu mà không quan tâm tới vấn đề chất lượng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.