Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về thị trường bất động sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 tại Hội nghị "Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại một số nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh-quân đỏ”; nạn đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường.
Ngoài ra là hiện tượng mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá và hoạt động của thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày báo cáo về thị trường bất động sản (Ảnh VGP).
Từng nhận định về những tình trạng này tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, giá đất đẩy lên quá cao do giá ảo sẽ khiến giấc mơ an cư của những người thu nhập thấp ngày càng xa vời.
Đơn cử như vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm, ngay sau đấu giá đất, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng giá trúng thầu, thực chất là giá ảo để "té nước theo mưa", đẩy giá đất, giá nhà tại TP.HCM lên cao. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp trúng thầu lần lượt bỏ cọc cũng gây chấn động dư luận. Mới đây nhất, 2 doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại cũng đã quá hạn 180 ngày mà chưa nộp tiền và nguy cơ bị hủy kết quả trúng đấu giá.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ các sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động mang tính tự phát, thiếu ổn định; có hiện tượng các sàn câu kết với nhau “ôm hàng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” làm nhiễu loạn thị trường.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, những hiện tượng trên chính là hạn chế của thị trường bất động sản hiện nay. Ngoài ra, ông Nghị cũng điểm danh hàng loạt bất cập khác đang cản trở sự phát triển bền vững của thị trường.
Đó là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn cần phải nghiên cứu sửa đổi như: thống nhất về hình thức lựa chọn (đấu giá, đấu thầu, chỉ định) chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; các quy định liên quan đến việc xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng...
Nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương, nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn về thủ tục pháp lý. Theo báo cáo của ông Nghị, trong năm 2021, có 172 dự án nhà ở thương mại, quy mô 24.027 căn hộ được hoàn thành trên cả nước, bằng 60% số dự án, 42% số căn hộ hoàn thành trong năm 2020. Trong 6 tháng năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư mới và số dự án hoàn thành cũng rất hạn chế, tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở thương mại chưa được cải thiện.
Cùng với đó là việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các địa phương còn rất hạn chế so với kế hoạch đề ra, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp.
Giá bất động sản nhà ở tăng cao so với thu nhập của người dân. Tại Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 tr/m2, giá nhà ở riêng lẻ, đất ở tại nhiều dự án rất cao, lên đến 200 triệu đồng/m2 thậm chí hơn, giá đất ở tại khu vực trung tâm nhiều đô thị đều ở mức trên 100 tr/m2.
Trong khi đó, hoạt động giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế còn phổ biến.
Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa đầy đủ, hoàn chỉnh; việc công khai minh bạch thông tin liên quan đến thị trường bất động sản chưa được thường xuyên, liên tục và đầy đủ dẫn đến tình trạng lợi dụng, tung tin đồn thổi, nhiễu loạn thị trường.
Ông Nghị cũng nhấn mạnh việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời là hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền thiếu kiểm soát ở nhiều địa phương.