Cảng biển “đắt khách” ngay từ đầu năm 2021

Google News

Lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam tăng vọt thời điểm đầu năm 2021 với mức tăng tại một số cảng biển lên tới 27 - 29%.

Lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam tăng vọt thời điểm đầu năm 2021 với mức tăng tại một số cảng biển lên tới 27 - 29%.

Tăng trưởng 29%

Liên tục trong các ngày đầu năm mới Tân Sửu, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục diễn ra sôi động tại các cảng biển thuộc khu vực Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Riêng trong ngày 13/2 (mùng 2 Tết), Tân Cảng – Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) tiếp nhận 18 tàu với sản lượng dỡ 6.966 container (tương đương 10.876 teus), sản lượng làm hàng xuất 5.000 container (tương đương 10.368 teus).

Cang bien “dat khach” ngay tu dau nam 2021
Chuyến tàu đầu tiên STARSHIP URSA cập cảng Cát lái (TP. HCM) vào ngày mùng 1 Tết Tân Sửu. Ảnh: M.T

Cảng biển quốc tế Hải Phòng cũng làm việc xuyên Tết và dự kiến tiếp nhận gần 30 lượt tàu trong tuần Tết Nguyên đán với các mặt hàng chủ yếu là sắt thép, thiết bị và container.

Riêng tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ, dự kiến lượng hàng RORO (dành cho các loại hàng tự vận hành lên tàu được) trong dịp Tết có thể lên đến gần 3.700 xe ô tô.

Thực tế theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong thời gian vừa qua.

Chỉ riêng trong tháng 1/2021, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển đạt hơn 62 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó hàng container là 2,2 triệu teus, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020 (hàng xuất khẩu là 734.000 teus, tăng 22%; hàng nhập khẩu 679.000 teus, tăng 23%).

Các thống kê cho thấy, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển tăng trưởng mạnh nhất là khu vực cảng biển Hải Phòng (tăng 26%), TP. Hồ Chí Minh (tăng 27%) và khu vực Cái Mép - Thị Vải (tăng 29%).

Cơ hội lớn cho vận tải biển

 Cang bien “dat khach” ngay tu dau nam 2021-Hinh-2
Chuyến tàu mẹ đầu tiên CMA CGM J. ADAMS vào làm hàng tại cầu cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào ngày mùng 1 Tết Tân Sửu. Ảnh: M.T

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là thị trường đi châu Âu, châu Mỹ do nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của châu Âu, châu Mỹ đối với thị trường châu Á (trong đó có Việt Nam) tăng cao trong vài tháng trở lại đây.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Âu.

Đáng chú ý, việc cơ sở hạ tầng cảng biển Việt Nam và giao thông kết nối ngày càng được hoàn thiện là yếu tố tạo đà quan trọng cho sự phát triển của ngành hàng hải.

Ngay trong tháng 1/2021, hệ thống cảng biển Việt Nam được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại với những cảng nước sâu đi vào hoạt động, có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới (lên tới hơn 200.000 DWT), tàu dầu trọng tải đến 320.000 DWT, tiếp nhận được đồng thời 3 tàu mẹ vào làm hàng cùng lúc.

Cảng nước sâu đi vào hoạt động sẽ bổ sung kịp thời hạ tầng cầu cảng container phục vụ nhu cầu thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và khu vực đang tăng trưởng nhanh trong những năm vừa qua.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao trong thời gian vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam cũng chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển đẩy nhanh thủ tục cho tàu thuyền ra, vào cảng được thuận lợi nhanh chóng.

Tuy nhiên, vận tải biển Việt Nam thời gian gần đây đang phải đối mặt với một số khó khăn như thiếu container rỗng để đóng hàng và giá cước vận tải container tăng cao.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh sau dịch nên nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tăng rất mạnh, làm nhu cầu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu tăng đột biến.

Tình trạng nghẽn cảng diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cảng biển lớn tại châu Âu, châu Mỹ và tình trạng phong tỏa để chống dịch của các nước cũng làm cho một lượng lớn container không di chuyển được hoặc di chuyển rất chậm khiến cho các hãng tàu thiếu container rỗng để cung cấp cho các chủ hàng.

Việc thiếu hụt vỏ container vào đúng mùa cao điểm (năm mới dương lịch và Tết Nguyên đán) cũng là yếu tố dẫn đến nhu cầu tăng cao đột biến.

Theo Lam Duy/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)