Cổ phiếu PTL của Petroland tăng đột biến, nhưng kinh doanh vẫn chưa mấy khởi sắc
Gần đây nhất là vụ “ngã ngựa” của sếp Petroland - CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PTL). Ngày 2/10, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Bùi Minh Chính, Chủ tịch HĐQT của Petroland để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Kết quả điều tra bước đầu xác định, trong giai đoạn 2012 - 2018, với tư cách là Giám đốc Petroland, ông Chính đã ký hợp đồng, duyệt thanh toán nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và ký hợp đồng bán bất động sản của Petroland trái quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Petroland gần 100 tỷ đồng.
Tưởng chừng như thông tin Chủ tịch “ngã ngựa” lan truyền, thị trường sẽ phản ứng và kéo giá cổ phiếu đi xuống nhưng cổ phiếu PTL của Petroland bất ngờ tăng giá trong phiên giao dịch 3/10. Theo đó, cổ phiếu PTL tăng 6,92% đạt 4.480 đồng/cp.
Sau khi đạt mức đỉnh 5.790 đồng/cp (phiên 28/10), giá mã này liên tục giảm mạnh. Đến phiên chiều 7/11, cổ phiếu PTL đang được giao dịch ở mức giá 4.030 đồng/cp, tăng 20% kể từ ngày vị Chủ tịch bị bắt.
|
Diễn biến cổ phiếu PTL trong 1 năm qua. |
Về kết quả kinh doanh quý 3/2019, Petroland ghi nhận lãi ròng gần 763 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lỗ ròng gần 1,1 tỷ đồng, nhờ có khoản thu nhập từ phạt vi phạm hợp đồng hơn 4 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Petroland báo doanh thu hơn 32 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng. Nếu quý 4 vẫn tiếp tục lỗ thì Công ty phải đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết.
Hoạt động kinh doanh chính thua lỗ, VEAM được “cứu” bởi cổ tức từ các liên doanh
Tháng 8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, VEA) và một số đơn vị thành viên.
Cùng ngày, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc; và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.
Phản ứng lại với thông tin trên, cổ phiếu VEA được giao dịch khá bình lặng, chỉ có vài “gợn sóng” nhỏ. Chốt phiên 7/11, cổ phiếu VEA có giá 50.200 đồng/cp, giảm 14% kể từ tháng 8/2019 khi đối mặt với loạt lùm xùm trên.
|
Diễn biến cổ phiếu VEA trong 1 năm qua. |
VEAM hiện đang sở hữu 30% cổ phần Honda, 20% cổ phần Toyota, 25% cổ phần Ford và đây cũng là nguồn lợi nhuận chủ yếu của công ty trong nhiều năm qua.
Theo đó, hoạt động kinh doanh chính thua lỗ, VEAM được “cứu” bởi cổ tức từ các liên doanh. Doanh thu thuần của VEAM đạt 1.111 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, giá vốn kinh doanh cao, lên đến hơn 1.115 tỷ đồng nên Công ty lỗ gộp gần 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lãi trong các công ty liên doanh, liên kết đã cứu kết quả kinh doanh kỳ này của VEAM khi mang về khoản lợi nhuận hơn 1.600 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, VEAM đạt doanh thu 3.352 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận đến từ công ty liên doanh, liên kết và tiền gửi nên lợi nhuận sau thuế của VEAM tăng lên hơn 5.151 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến 30/9, tổng giá trị tài sản của VEAM là 31.044 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả chiếm tỷ trọng không đáng kể, chỉ hơn 1.200 tỷ đồng. Do nhận cổ tức lớn từ các công ty liên doanh, liên kết nên VEAM sở hữu 14.935 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chưa kể 4.677 tỷ đồng phải thu tiền cổ tức và lãi hỗ trợ vốn…
Nhiệt điện Quảng Ninh: Cổ phiếu vẫn tăng
Ngày 25/3, Công an tỉnh Quảng Ninh thông báo đã bắt khẩn cấp ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn”.
Công an tỉnh Quảng Ninh không nói rõ hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” của ông Hạnh là gì và cho biết thêm rằng cơ quan điều tra mới “khởi tố vụ án, nhưng chưa khởi tố bị can”.
Mặc dù xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực xoay quanh vấn đề Chủ tịch bị nhưng cổ phiếu QTP khi ấy vẫn được giao dịch bình thường, có xu hướng tăng trưởng. Tính chung trong 1 năm qua vẫn ghi nhận mức tăng 34%, hiện đang quanh mức 11.300 đồng/cp.
|
Diễn biến giá cổ phiếu QTP trong 1 năm qua. |
Còn về tình hình kinh doanh, tuy ghi nhận lỗ trong quý 3 chỉ hơn 5 tỷ đồng, cải thiện hơn rất nhiều so với số lỗ 311 tỷ đồng cùng kỳ.
Doanh thu trong kỳ đạt 2.268 tỷ đồng, tăng 51% so với quý 3/2018, trong khi chi phí giá vốn bỏ ra hết 2.149 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp còn 119 tỷ đồng – cải thiện hơn rất nhiều so với số lỗ gộp 10 tỷ đồng ghi nhận quý 3 năm ngoái.
Nhiệt điện Quảng Ninh được biết đến xưa giờ được biết đến phải chịu áp lực về nợ vay. Tuy nhiên, trong quý này đã khởi sắc, bằng chứng là chi phí tài chính giảm 167 tỷ đồng, tương ứng giảm 59%, trong đó chủ yếu do giảm chi phí lãi vay và không ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 145 tỷ đồng như cùng kỳ (quý 3 năm nay lỗ tỷ giá chưa đến 14 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, công ty có doanh thu thuần đạt 7.385 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018, lãi ròng đạt 264,7 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lỗ hơn 35 tỷ đồng cùng kỳ.
Tính đến ngày cuối quý 3, Nhiệt điện Quảng Ninh vẫn ghi nhận lỗ lũy kế gần 235 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty còn nguồn thặng dư vốn cổ phần hơn 230 tỷ đồng.