Bamboo Airways muốn nâng quy mô đội tàu bay lên tới 100 chiếc với tổng vốn lên tới 14.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc mở rộng quy mô Dự án sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi.
Trong khi đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh quy mô tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đã huy động đến năm 2020 của nhà đầu tư đã vượt quá tổng mức đầu tư được Thủ tướng phê duyệt nên Bamboo Airways cần làm rõ. Cùng với nhiều ý kiến phản đối khác nên đề xuất nâng đội tàu lên 100 chiếc của Bamboo tạm thời bị… “tuýt còi”.
Tham vọng của tỷ phú Trịnh Văn Quyết từ đội tàu… đi thuê
Hiện nay, thị trường hàng không Việt Nam đang hình thành cuộc đua “tam mã” trong đó dẫn đầu là “ông lớn” Vietnam Airlines, đứng thứ 2 là Vietjet Air và đứng thứ 3 là “lính mới” Bamboo Airways.
|
Đội tàu và mạng lưới bay của Bamboo Airways hiện nay đang “lép vế” so với 2 đối thủ còn lại. |
Ghi nhận từ trang planespotters (trang theo dõi khai thác tàu bay uy tín hàng đầu Thế giới hiện nay) thì Vietnam Airlines đang khai thác 100 tàu bay và 6 tàu chuẩn đã đặt hàng chuẩn bị về. Vietjet Air cũng khai 76 tàu và 6 tàu chuẩn về.
Đội tàu của Bamboo Airways đứng thứ 3 khi hiện chỉ khai thác 27 tàu và 4 tàu chuẩn bị về. Đáng chú ý, trang planespotters ghi nhận toàn bộ 27 tàu hiện đang khai thác của Bamboo đều là đi thuê. Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại Bamboo Airways có thể nói là chưa chính thức “sở hữu” một tàu bay nào.
|
Theo planespotters, hiện Bamboo Airways đang sử dụng 27 tàu, 4 tàu đã đặt chuẩn về và tất cả 27 tàu đang sử dụng đều là tàu thuê. |
Hãng hàng không Bamboo cũng là hãng có “tuổi đời” trẻ nhất nên không lạ khi mạng lưới đường bay thua xa so với Vietnam Airlines và Vietjet Air. Ưu điểm lớn nhất của Bamboo mang ra cạnh tranh hiện nay là đúng giờ hơn Vietjet Air và đội ngũ tiếp viên hàng không “mềm mỏng” nhất trong các hãng khác. Tuy nhiên, đó là do số lượng tàu bay hiện nay ít và mạng lưới bay “nhẹ nhàng” nên có 2 ưu điểm đó. Nêu nâng số tàu bay lên 100 và mạng lưới bay dày đặc thì rất khó để đáp ứng 2 lợi thế hiện có.
Ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, trước mắt tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Báo cáo tài chính lỗ, Bamboo Airways khó vay vốn?
Theo đề xuất điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư lên 14.800 tỷ đồng đồng, Bamboo Airways cho biết ngoài vốn chủ sở hữu là 5.374 tỷ đồng đã góp đủ 100%, vốn huy động là 3.476 tỷ đồng huy động từ các tổ chức tín dụng và vốn khác 5.950 tỷ đồng.
|
Tình hình tài chính hiện nay của Bamboo Airways cũng không mấy khả quan. |
Về khoản vốn huy động 3.476 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, các Tổ chức tín dụng sẽ thẩm định dự án, đánh giá hiệu quả của dự án của Bamboo Airways để xem xét và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay.
Đề xuất của Bamboo Airways với phần vốn khác khoảng 5.950 tỷ đồng được huy động từ nguồn lợi nhuận giữ lại từ hoạt động kinh doanh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định phương án huy động này được đánh giá là chưa khả thi trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính của công ty là kinh doanh hàng không không có lãi.
Thực tế hiện nay tình hình tài chính của Bammboo Airways không mấy lạc quan. Tháng 6/2021 vừa qua, Bamboo Airways đã báo cáo tài chính lỗ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hãng ghi nhận lỗ trong quá trình sản xuất kinh doanh năm 2020 nhưng bù đắp bằng doanh thu tài chính.
Với tình hình tài chính hiện tại, rất khó để các tổ chức tín dụng đánh giá cao việc mở rộng dự án và đầu tư tiền. Với tiềm lực tài chính hiện có cũng chỉ đủ cho Bamboo Airways duy trì đội tàu 30 chiếc như hiện tại.
Trước đó, Quyết định 1014 của Thủ tướng Chính phủ cho phép quy mô của dự án đầu tư của Bamboo Airways đến năm 2023 là 30 tàu bay, tổng vốn đầu tư của dự án là 5.700 tỷ đồng.