Lễ sinh nhật cuối cùng của trùm phát xít Hitler

Google News

(Kiến Thức) - Lễ sinh nhật lần thứ 56 và là lần cuối cùng của Adolf Hitler được tổ chức ở hầm ngầm ngày 20/4/1945 trong hoàn cảnh thiếu rượu sâm banh, thừa tiếng trọng pháo.

Lời chúc mừng sinh nhật Hitler ầm ĩ nhất đến từ những khẩu trọng pháo của Hồng quân Liên Xô. Vào buổi sáng ngày 20/4/1945, trọng pháo của Hồng quân Liên Xô đua nhau nã đạn vào khu vực có Phủ thủ tướng và Tòa nhà Quốc hội Đức ở trung tâm Thủ đô Berlin.
Le sinh nhat cuoi cung cua trum phat xit Hitler
Trong cuốn sách "Đến giờ phút cuối cùng", Traudl Junge đã ghi lại những ngày cuối cùng của trùm phát xít Hitler ở Berlin.
Chỉ có điều không có tiếng còi báo động vang lên vì đường phố không một bóng người và phần lớn cư dân Berlin còn bận trú ẩn trong các tầng hầm.
Trong nhật ký, một nữ sinh ở Berlin thời đó viết: “Lại phải chui xuống hầm ngầm. Hôm nay là ngày sinh nhật của thủ lĩnh tối cao (Hitler) nhưng không có ai treo cờ mặc dù Goebbels (Bộ trưởng Tuyên truyền) đã kêu gọi dân chúng làm như vậy. Mọi người đã đốt hết cờ và vứt hết huy hiệu thành viên đảng Quốc xã vì sợ người Nga đang đến gần”.
Trong cuốn lịch làm việc của mình, Thư ký của Hitler là Martin Bormann viết: "Đáng tiếc, đây không phải là dịp để tổ chức sinh nhật”. Thật khó có thể mô tả một cách chính xác hơn về lễ sinh nhật lần thứ 56 của trùm phát xít Adolf Hitler.
Như thường lệ, Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels lên tiếng chúc mừng Hitler trên đài phát thanh: “Chúng ta bày tỏ lòng trung thành với lãnh tụ tối cao. Bọn chúng (đồng minh) có thể hành hạ, nhưng không thể bẻ gãy hoặc làm chúng ta nhụt chí”. Thế nhưng, những lời tuyên truyền sáo rỗng này bị dân chúng Berlin đang lo tránh đạn pháo bỏ ngoài tai.
Bầu không khí  trong hầm ngầm của Hitler dưới Phủ thủ tướng ở Berlin quả là ảm đạm. Nữ thư ký riêng của Hitler là Traudl Junge nhớ lại cái ngày 20/4/1945: "Những chiếc xe tăng Liên Xô đầu tiên đã xông vào Berlin. Những tiếng nổ dữ dội của đạn pháo đã vang lên ở Phủ Thủ tướng, trong khi thủ lĩnh tối cao (Hitler) tiếp nhận những lời chúc mừng của các thuộc hạ trung thành”.
Trên thực tế, các quan chức hàng đầu của Đức Quốc xã đều tụ tập đầy đủ trong hầm ngầm của Hitler. Chỉ có điều căn phòng lớn nhất của chiếc hầm ngầm vô cùng kiên cố này chỉ rộng có 25 mét vuông.
Le sinh nhat cuoi cung cua trum phat xit Hitler-Hinh-2
Đến dự sinh nhật lần thứ 56 của Hitler có Nguyên soái không quân Hermann Göring, trên danh nghĩa là nhân vật số 2 của Đế chế thứ ba.
Đến dự sinh nhật lần thứ 56 của Hitler có Nguyên soái không quân Hermann Göring, trên danh nghĩa là nhân vật số 2 của Đế chế thứ ba (Đức Quốc xã). Tiếp theo là trùm SS Heinrich Himmler, người từ lâu đã tìm cách thương lượng với phương Tây, dĩ nhiên là sau lưng Hitler. Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels và Ngoại trưởng Joachim von Ribbentrop cũng không thể vắng mặt.
Toàn bộ ban lãnh đạo quân đội Đức Quốc xã cũng có mặt đầy đủ trong lễ sinh nhật lần thứ 56 và là lần cuối cùng của trùm phát xít Adolf Hitler. Đó là Thống chế Wilhelm Keitel, Cố vấn quân sự của Hitler là Alfred Jodl, Tư lệnh Hải quân Karl Dönitz và Tổng tham mưu trưởng Hans Krebs.
Nữ thư ký riêng Traudl Junge viết: "Mọi người đều bắt tay Hitler, tuyên thệ trung thành và tìm cách khuyên ông ta rời Berlin. Tất cả đều tốn công vô ích. Hitler đã quyết định ở lại và chờ đợi…”.
Một đồng nghiệp của Traudl Junge là Christa Schroeder viết: "So với những lần sinh nhật trước đây, những lời chúc mừng của các quan chức dân sự và quân sự đã diễn ra trong bầu không khí ảm đạm. Trái lại, những lời ‘chúc mừng’ của quân đồng minh lại trở nên ầm ĩ hơn. Máy bay của đồng minh liên tục ném bom Berlin từ sáng sớm đến tận hai giờ chiều khiến chúng tôi không thể rời hầm ngầm”.
Sau lễ mừng thọ, đám quan chức dân sự và quân sự từ lâu không còn trung thành với Hitler như Göring đã nhanh chóng ra đi và trong hầm chỉ còn lại người tình lâu năm Eva Braun, đội ngũ thư ký và Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels.
Le sinh nhat cuoi cung cua trum phat xit Hitler-Hinh-3
Người tình lâu năm Eva Braun đến Berlin, trái với mong muốn của Hitler.
Nữ thư ký Traudl Junge kể lại: "Vào buổi tối, chúng tôi chen chúc nhau ngồi trong một căn phòng làm việc chật hẹp. Hitler không nói một câu nào và chỉ nhìn chằm chằm về phía trước. Khi chúng tôi cũng hỏi liệu ông có rời Berlin, Hitler trả lời: Không, tôi không thể. Tôi phải lãnh đạo trận đánh quyết định ở Berlin…”.
Vào lúc kết thúc lễ sinh nhật buồn tẻ và sau khi Hitler lui về phòng ngủ chỉ rộng có 10 mét vuông, người tình lâu năm Eva Braun đã mời mọi người uống rượu sâm banh trong một ngôi nhà đã bị mảnh đạn pháo làm thủng lỗ chỗ trong Phủ thủ tướng.
Eva Braun đã đến Berlin, trái với mong muốn của Adolf Hitler, và muốn tổ chức một lễ hội cuối cùng. Thư ký riêng Traudl Junge kể lại: “Cô ấy muốn ăn mừng lần cuối. Thực ra, chẳng có gì đáng để ăn mừng. Chúng tôi đã uống rượu sâm banh và cười đùa. Tôi cũng đã cười bởi vì tôi …không muốn khóc”.  
Minh Châu (Theo Die Welt)

>> xem thêm

Bình luận(0)