|
Hồng quân Liên Xô cắm cờ trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức.
|
Chiến dịch Berlin diễn ra từ ngày 16/4 đến 9/5/1945. Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô đã đánh tan quân Đức bảo vệ thủ đô, buộc trùm phát xít Adolf Hitler tự sát vào ngày 30/4/1945.
“Bốn đánh một, chẳng chột cũng què”
Các lực lượng Đức bảo vệ Berlin bao gồm Tập đoàn quân Wisla và Tập đoàn quân Trung tâm, với tổng cộng 700.000 binh sĩ thuộc 48 sư đoàn bộ binh, 6 sư đoàn xe tăng và 9 sư đoàn cơ giới cùng các đơn vị độc lập khác. Ở phía sau hai cụm quân này, Đức Quốc xã chỉ còn 8 sư đoàn làm lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng.
|
Hồng quân Liên Xô đã huy động 7.500 máy bay tham gia Chiến dịch Berlin.
|
Để tấn công dứt điểm Berlin,
Hồng quân Liên Xô đã huy động 2,5 triệu quân, 41.600 súng cối và đại bác, 3.255 dàn tên lửa Kachiusa, 6.250 xe tăng và pháo tự hành và 7.500 máy bay.
Tham gia Chiến dịch Berlin, Hồng quân Liên Xô huy động ba phương diện quân, bao gồm: Phương diện quân Belarus 2 của Nguyên soái Konstantin Rokossovsky, Phương diện quân Belarus 1 của Nguyên soái G.K. Zhukov - lực lượng chủ công đánh chiếm Berlin – và Phương diện quân Ukraina 1 của Nguyên soái I.S. Konev.
Chọc thủng phòng tuyến Seelow, hợp vây Berlin
Tại hướng chính diện, Phương diện quân Belarus 1 của Nguyên soái Zhukov tấn công dãy cứ điểm Đức tại điểm cao Seelow được bố phòng rất kiên cố, án ngữ phía tây sông Oder. Hồng quân Liên Xô thương vong rất lớn tại tuyến đầu Seelow và không thể xuyên thủng tuyến phòng thủ Đức theo đúng kế hoạch.
|
Nguyên soái G.K. Zhukov chỉ huy lực lượng chủ công đánh chiếm Berlin. |
Để khích tướng, Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô Stalin nói với Nguyên soái Zhukov rằng ông sẽ điều quân của Nguyên soái Konev chiếm Berlin nếu Phương diện quân Belarus 1 không thể xuyên thủng tuyến phòng thủ Seelow. Nguyên soái Zhukov đã dốc hết toàn lực xung trận và sau ba ngày cận chiến đẫm máu, tuyến phòng thủ cuối cùng tại Seelow đã bị đè bẹp vào ngày 19/4/1945, mở toang cánh cửa dẫn đến Berlin.
Tại hướng nam, Phương diện quân Ukraina 1 của Nguyên soái I.S. Konev đã nhanh chóng đập tan tuyến phòng ngự trên sông Neisse và ào ạt tiến về phía tây. Chính sự đột phá mãnh liệt của Phương diện quân Ukraina 1 đã tạo điều kiện cho Phương diện quân Belarus 1 của Nguyên soái Zhukov đè bẹp sự kháng cự của Đức tại Seelow.
Theo chỉ đạo của Stalin, ngày 20/4, Phương diện quân Ukraina 1 của Nguyên soái Konev đã chuyển hướng tấn công lên phía bắc, đánh tập hậu bao vây Berlin.
Ngày 24/4/1945, hai phương diện quân của Nguyên soái Zhukov và Nguyên soái Konev đã hội quân ở phía đông Berlin. Ngày hôm sau, hai phương diện quân này hợp quân ở phía tây Berlin, hoàn thành việc bao vây quân Đức phòng thủ trong nội đô Berlin. Berlin đã ở trong vòng vây dày đặc, tầng tầng lớp lớp và số phận của Đức Quốc xã chỉ còn tính từng ngày.
Hitler tự sát, Berlin thất thủ
Từ ngày 26/4 đến ngày 9/5, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn các ổ kháng cự ở Berlin. Việc đánh chiếm nội đô Berlin diễn ra vô cùng đẫm máu, khi quân Đức tuyệt vọng chống cự đến cùng. Hai bên giành giật từng khu phố, từng ngôi nhà. Trong các trận đánh đường phố ở nội đô Berlin, Hồng quân Liên Xô đã mất gần 2.000 xe tăng và xe cơ giới.
|
Thiếu quân nghiêm trọng, trùm phát xít Adolf Hitler phải tổng động viên cả trẻ em tham gia phòng thủ Berlin.
|
Ngày 29/4 đã diễn ra trận đánh cuối cùng cực kỳ ác liệt chiếm trụ sở Quốc hội Đức. Hai bên giành giật từng căn phòng, từng đoạn cầu thang, từng tầng lầu. Đến ngày 30/4 hầu hết lính Đức và SS tại đây đã bị tiêu diệt.
Không để rơi vào tay Hồng quân Liên Xô, ngày 30/4, Adolf Hitler cưới người tình lâu năm Eva Braun và sau đó cả hai đã tự sát. Trong di chúc, Hitler trao quyền Tổng thống cho Đô đốc Karl Dönitz và Thủ tướng cho Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels. Ngày 1/5/1945, ngay trước khi Hồng quân Liên Xô tràn ngập dinh thủ tướng, vợ chồng Goebbels đã tự tay tiêm thuốc độc vào 6 đứa con nhỏ và tự sát.
Ngày 2/5/1945, Tư lệnh phòng thủ Berlin, Trung tướng pháo binh Helmuth Weidling, đã ra lệnh đầu hàng và về cơ bản Berlin đã thất thủ.
|
Thống tướng Keitel ký văn kiện Đức Quốc xã đầu hàng đồng minh.
|
Ngày 9/5/1945,
Đức Quốc xã đầu hàng đồng minh vô điều kiện và Chiến tranh Xô-Đức đã chấm dứt.